Kinh tế số cải thiện mạnh mẽ năng suất lao động, tăng sức chống đỡ trước các cú sốc lớn
Động lực tăng trưởng mới là kinh tế số | |
Kinh tế số là cơ hội để tăng năng suất lao động | |
Dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy nền kinh tế nền tảng số |
Sáng nay (20/4), Trường Đại học kinh tế Quốc dân (NEU) chính thức công bố ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019: Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số” trong bối cảnh những động lực tăng trưởng hiện có đang trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số (KTS) mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức năng suất lao động (NSLĐ) tổng thể.
PGS.TS. Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng NEU cho biết, các doanh nghiệp hiện nay còn e dè với kinh tế số bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, vẫn còn nhiều rào cản, do sự thiếu đồng bộ của hạ tầng công nghệ thông tin và kinh tế số nên kinh tế số chưa chắc đã kết nối được với nền kinh tế.
Nguyên nhân nữa là khi chuyển sang quản trị về kinh tế số đòi hỏi chúng ta phải thay đổi một cách căn bản tư duy về quản trị. Muốn công khai, minh bạch nhưng chúng ta vẫn giữ thói quen quản trị cũ thì khó mang lại thành công.
Các nhà khoa học của NEU thảo luận về kinh tế Việt Nam, năng suất lao động và kinh tế số |
Hiện tại dù NSLĐ của Việt Nam đã tăng nhanh nhưng tốc độ này chưa đủ thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực. NSLĐ của Việt Nam năm 2019 vẫn chỉ bằng 1/5 Malaysia, bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc, bằng 1/2 Indonesia và NSLĐ trung bình của ASEAN.
Khoảng cách quá xa này đang đặt ra sức ép đối với các khu vực kinh tế trong nước ở những năm tiếp theo, PGS. Tô Trung Thành - đồng chủ biên ấn phẩm phát biểu.
Với 4 kịch bản kinh tế Việt Nam ở các mức độ phát triển kinh tế số được đưa ra trong ấn phẩm này cho thấy kinh tế số là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLĐ và hiệu quả của nền kinh tế. NEU dự báo giai đoạn 2020 - 2030, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong tốc độ tăng trưởng NSLĐ tổng thể.
Theo NEU, kinh tế số có thể tạo cơ hội và các động lực tăng trưởng mới cho NSLĐ tổng thể của nền kinh tế. Hiện Việt Nam cùng Indonesia là hai thị trường bứt phá về kinh tế số trong ASEAN. Việt Nam là một trong 10 thị trường tiềm năng nhất thế giới về tăng trưởng thương mại điện tử. Ở Việt Nam công nghệ thông tin là ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam.
Đơn cử như thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ của Việt Nam dẫn đầu các quốc gia trong khu vực. Trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là 49%/năm, chỉ đứng sau Indonesia là 56%/năm. Việt Nam đứng thứ tư về tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ Internet so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tổng mức đầu tư cho kinh tế số tại Việt Nam được xếp vị trí thứ ba trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Singapore, và tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Tốc độ tăng NSLĐ Việt Nam tương đối cao so với một số quốc gia (%) |
Kết quả dự báo của NEU cho thấy kinh tế số có ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng NSLĐ của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tiếp đến là khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi, đóng góp của kinh tế số đến tăng trưởng NSLĐ ở khu vực kinh tế nhà nước còn rất hạn chế.
Nhưng phát triển kinh tế số cũng đang có nhiều hạn chế như PGS. Hoàng Văn Cường đã nói. Theo ông, trong khi doanh nghiệp chỉ muốn đầu tư phát triển một cách hệ thống, bài bản và muốn đi lên đàng hoàng chứ không phải dựa vào những kẽ hở của luật pháp và chính sách. Vì vậy phải mạnh dạn ứng dụng kinh tế số.
“Phát triển kinh tế số không chỉ tạo ra được hướng phát triển của doanh nghiệp theo xu thế của nền kinh tế, xu thế của thời đại mà còn làm thay đổi căn bản về nội dung quản trị của doanh nghiệp. Đây sẽ là một yếu tố đòi hỏi phải đầu tư công nghệ và đầu tư về mặt tư duy quản trị của doanh nghiệp, của nhà nước, tháo bỏ rào cản”, ông Cường phát biểu.
Đại dịch Covid-19 sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam bị tác động một cách mạnh mẽ và lâu dài. Là một nền kinh tế có độ mở, khu vực đối ngoại lại đang là đầu tầu cho tăng trưởng trong những năm qua, nên mức độ tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế sẽ bị nhiều hơn. Nhưng ngay lúc tổn thương bởi cú sốc đại dịch này là lúc phải xem lại nền tảng của nền kinh tế, là cơ hội để tái cấu trúc.
Và cơ hội đó, như PGS. Trần Thọ Đạt kết luận: “Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức NSLĐ tổng thể nền kinh tế, từ đó đạt được phát triển bền vững và đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài”.