Kinh tế số và tăng trưởng xanh: Định hướng tương lai
Điểm tựa vươn ra toàn cầu
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, đến nay, Việt Nam đã thu được một số kết quả tích cực trong quá trình xây dựng nền kinh tế số, đáp ứng cầu tăng trưởng xanh, song vẫn cần những nỗ lực không ngừng, nhất là trong giai đoạn phát triển và hội nhập như vũ bão hiện nay với sự đóng góp to lớn của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo…
Có thể nhận thấy, phát triển kinh tế số và tăng trưởng xanh đã và đang trở thành xu thế mới của thời đại, được nhiều quốc gia theo đuổi, trong đó có Việt Nam. Kinh tế số tạo ra không gian phát triển mới, mở ra cơ hội tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững.
Phát triển kinh tế số và tăng trưởng xanh đã và đang trở thành xu thế |
Theo kết quả của khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trên 400 doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu tích cực ứng dụng công nghệ số vào các khâu như quản trị doanh nghiệp, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.
Trong quản trị doanh nghiệp, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất với 60,6% (tăng 19,5%) so với thời điểm trước dịch; tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% doanh nghiệp đã ứng dụng so với 19% doanh nghiệp trước khi có dịch. Có tới 98% doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là mong muốn giúp giảm chi phí, chiếm tỷ lệ hơn 71%, giúp hạn chế giấy tờ 61,4%, thêm giá trị gia tăng sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ 45,3%... Tất cả số liệu trên đã khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành một thực tế bắt buộc các doanh nghiệp Việt phải tham gia để có thể phát triển và tránh tụt hậu trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu.
Thực tế, kinh tế số đang tăng trưởng rất nhanh, trở thành “chìa khóa” cho một số nền kinh tế vươn ra toàn cầu. Nền kinh tế số của Việt Nam năm 2021 có quy mô khoảng 163 tỷ USD, chiếm 8,2% GDP. Dư địa phát triển của các cấu phần kinh tế số rất lớn, góp phần vào tăng tưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mặc dù vậy, để đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP năm 2025 thì Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, từ định hướng của Chính phủ đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân, cũng như hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng hạ tầng số, đào tạo nhân lực cho kinh tế số.
Tăng trưởng xanh - xu thế tất yếu
Theo các chuyên gia, tăng trưởng xanh là một xu thế tất yếu khi mà nhiều thị trường lớn đang đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường, lao động.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà máy áp dụng công nghệ xanh hóa sản xuất tăng từ 11% lên 32% giai đoạn 2010-2015, đến năm 2020 là hơn 50% và ngày càng có xu hướng tăng lên. Trong đó, tỷ lệ cơ sở giảm tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu và nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm nhờ áp dụng xanh hóa sản xuất tăng từ 11% (năm 2010) lên hơn 30% vào thời điểm hiện tại…
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ tăng trưởng xanh dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
“Để thực hiện xanh hoá sản xuất, Việt Nam cần có chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh. Song song với đó, người dân cũng cần chủ động xanh hoá tiêu dùng, thay đổi lối sống để hướng đến tiêu dùng bền vững, kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại”, ông Thọ chia sẻ thêm.
Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực hỗ trợ chuyển giao công nghệ xanh, trợ giá cho đầu tư các dây chuyền công nghệ thân thiện với môi trường, nhiều đề tài nghiên cứu theo hướng đổi mới, sáng tạo và áp dụng công nghệ xanh ở các ngành và địa phương đã được đặt hàng. Điển hình là các công trình nghiên cứu về giống cây trồng và giống gia súc. Nhiều công trình đã ứng dụng công nghệ xanh trong xây dựng để ứng phó với biến đổi khí hậu như sử dụng vật liệu xây dựng xanh, thiết kế kiến trúc, giải pháp thi công phù hợp với tiêu chuẩn kiến trúc xanh.
Tuy vậy, để Việt Nam có thể trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về phát triển kinh tế số và tăng trưởng xanh, đòi hỏi không chỉ có định hướng, chiến lược lâu dài, mà cần phải nỗ lực biến mục tiêu thành hành động, trở thành chương trình “nghị sự” hàng ngày của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân. Nhất là, chú trọng hơn đầu tư về nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, thay đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện kinh tế tuần hoàn… để đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra tại Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.