Khó quay lại thời kỳ lạm phát thấp
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ quay lại thời kỳ lạm phát thấp (giai đoạn trước đại dịch Covid)”, bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB nói và lưu ý rằng, cuộc xung đột tại Ukraine sẽ “thay đổi bức tranh và môi trường mà chúng ta đang hoạt động”.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết hiện chưa rõ liệu nền kinh tế Mỹ có thể trở lại trạng thái trước đại dịch hay không. "Nền kinh tế đang được hướng lái bởi các yếu tố rất khác nhau. Những gì chúng tôi không biết là liệu kinh tế Mỹ sẽ quay trở lại với một trạng thái nào đó giống như, hoặc một chút giống như những gì chúng tôi đã có trước đây", ông Powell nói. Cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch, ông Powell cho biết cuộc xung đột tại Ukraine đã "làm tăng thêm rất nhiều" áp lực về lương thực và lạm phát. Điều đó đã khiến vai trò của Fed trong việc đảm bảo ổn định giá cả và tối đa hóa việc làm "trở thành một hoạt động rất khác với cách mà chúng tôi đã thực hiện trong 25 năm qua", ông Powell thừa nhận.
![]() |
Các NHTW lớn cho rằng rất khó khăn để đưa lạm phát và nền kinh tế toàn cầu trở về trạng thái trước đây |
Đây chỉ là một số nhận định của các lãnh đạo ba NHTW lớn trên tại hội nghị của ECB vừa qua, trong nỗ lực thảo luận về cách thức "các thế lực mới" đã và đang thay đổi động lực lạm phát và bối cảnh kinh tế toàn cầu. Hiện cả ba NHTW này đang phải chống chọi với lạm phát gia tăng. Để chống lại lạm phát tồi tệ nhất của Mỹ kể từ những năm 1980, Fed đã bắt đầu quá trình tăng lãi suất. Đặc biệt trong cuộc họp chính sách tháng 6 vừa qua, các quan chức Fed đã bỏ phiếu thông qua việc tăng lãi suất 3/4 điểm (0,75%), mức tăng lớn lần đầu tiên kể từ năm 1994. Hầu hết các nhận định đến nay đều cho rằng, một mức tăng khác tương tự như vậy sẽ tiếp tục được đưa ra tại cuộc họp chính sách của Fed ngày 26-27/7 tới.
Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định sẽ không để nền kinh tế rơi vào "trạng thái lạm phát cao hơn" ngay cả khi điều đó có nghĩa là Fed sẽ phải tăng lãi suất đến mức “gây rủi ro” cho tăng trưởng, nhấn mạnh Fed sẽ làm bất cứ điều gì để kiềm chế các đợt tăng giá trong tương lai. Hiện có nhiều cú sốc và rủi ro có thể đẩy lạm phát tiếp tục cao hơn và Fed sẽ phải “chạy đua với thời gian” để ngăn chặn điều đó xảy ra. Các nhà hoạch định chính sách của Fed hiện thấy lãi suất liên bang mục tiêu sẽ tăng lên mức 3,4% vào cuối năm nay - cao hơn mức mà họ cảm thấy cần thiết để bắt đầu gây ra hạn chế với tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài và gần gấp đôi mức lãi suất từ 1,5% - 1,75% hiện tại.
Trong khi ngày càng có nhiều nhà phân tích và nhà kinh tế lo ngại những động thái quyết liệt thắt chặt chính sách của Fed có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới, Powell cho biết ông tin rằng nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để chấp nhận mức tăng trưởng vừa phải (tức là thấp đi nhưng không rơi vào suy thoái), bởi các hộ gia đình và doanh nghiệp đều có tình hình tài chính mạnh mẽ, và nền kinh tế sẽ có thể đối phó với các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn trong khi tránh được suy thoái cũng như nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trở lại.
“Toàn tâm” chống lạm phát
Chủ tịch Fed cũng cảnh báo rằng, việc lạm phát cao và kéo dài sẽ để lại một hệ quả còn “tồi tệ hơn” so với suy thoái kinh tế. “Liệu có rủi ro chúng tôi sẽ đi quá xa với việc tăng lãi suất không? Chắc chắn là có rủi ro như vậy. Nhưng tôi không đồng ý rằng đó là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế. Sai lầm lớn hơn sẽ là việc không khôi phục được sự ổn định giá cả”, ông Powell nói.
Trong khi đó theo bản sửa đổi lần thứ ba và là lần cuối cùng của Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), tăng trưởng GDP trong quý I vừa qua là mức âm 1,6% (giảm 0,2% so với mức âm 1,4% đưa ra vào tháng 4), càng làm tăng thêm lo ngại rằng một cuộc suy thoái đang rình rập. Trước đó vào tháng 5, con số này cũng đã được điều chỉnh giảm 0,1% xuống mức âm 1,5%. Theo BEA, mức giảm thêm 0,1% trong lần điều chỉnh cuối cùng này là do tăng trưởng tiêu dùng chậm hơn dự kiến.
Theo Shannon Seery, chuyên gia kinh tế của Wells Fargo, dự kiến kinh tế Mỹ sẽ trải qua suy thoái vào quý II/2023, mặc dù tài chính hộ gia đình mạnh mẽ và bảng cân đối tiêu dùng và kinh doanh vững chắc sẽ giữ cho tình trạng suy thoái này - nếu xảy ra - sẽ không lớn. Trong khi suy thoái thường được định nghĩa là nền kinh tế có hai quý liên tiếp ghi nhận GDP giảm, nhưng đó không phải là một quy tắc “cứng”, đặc biệt là đối với những bên có trách nhiệm đưa ra quyết định chính thức. Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia - cơ quan “trọng tài” trong quyết định về các cuộc suy thoái của Hoa Kỳ - bên cạnh yếu tố tăng trưởng GDP, sẽ xem xét một loạt các chỉ số khác. Hiện cơ quan này định nghĩa suy thoái là "sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế lan rộng trên toàn nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng". Dự kiến ước tính sơ bộ về hiệu suất GDP (tăng trưởng GDP) quý II của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 28/7.
Cho đến hiện nay, không chỉ Chủ tịch Jerome Powell mà nhiều quan chức Fed vẫn tin tưởng Fed sẽ thành công trong việc hạ lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái, tức vẫn sẽ có việc "hạ cánh mềm". Tại một sự kiện trực tuyến hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed San Francisco, bà Mary Daly, cho biết: “Chúng ta sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn năm nay. Tôi sẽ không ngạc nhiên, và thực tế trong dự báo của tôi, tăng trưởng sẽ giảm xuống dưới 2%. Nhưng nó sẽ không thực sự chuyển sang tăng trưởng âm”. Cùng theo bà Daly, tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tăng lên, nhưng sẽ không lớn đến mức để mọi người nghĩ về suy thoái kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại là 3,6%, gần mức thấp nhất trong lịch sử, vì vậy nếu tăng nhẹ sẽ không dẫn đến tình trạng khó khăn trên diện rộng.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết, suy thoái không phải là "kịch bản cơ bản" của ông lúc này, với lưu ý rằng nền kinh tế vẫn đang "mạnh mẽ". John Williams cho rằng, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng trong khoảng 1% - 1,5% năm nay. “Dù mức đó thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng 5,7% năm 2021 nhưng đó không phải là suy thoái. Đó chỉ là sự suy giảm mà chúng ta cần thấy trong nền kinh tế để thực sự giảm bớt áp lực lạm phát hiện nay”, ông nói.
Hồng Quân
Nguồn: