Kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm và đầy bất ổn
“Mặc dù có những phát triển tích cực, chẳng hạn như giảm bớt áp lực lạm phát và những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách vẫn phải đối mặt với những cơn gió ngược dai dẳng và biến động liên tục khi hoạt động kinh tế toàn cầu vẫn chậm, điều kiện tài chính vẫn thắt chặt và những rạn nứt địa chính trị và những căng thẳng xã hội tiếp tục gia tăng”, Báo cáo nêu rõ.
Kết quả cuộc khảo sát do WEF thực hiện với 30 nhà kinh tế trưởng từ tháng 11 đến tháng 12 năm ngoái cho thấy, 56% số người được hỏi dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu vào năm 2024, trong khi 20% cho rằng nó sẽ không thay đổi và 23% dự báo điều kiện kinh tế “mạnh hơn một chút”.
IMF cũng dự kiến, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm nhẹ vào năm 2024 xuống còn 2,9%, từ mức 3% của năm ngoái.
Ảnh minh họa |
Cuộc khảo sát của WEF cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa kỳ vọng của các nhà kinh tế đối với các nền kinh tế khác nhau, trong đó các chuyên gia tỏ ra bi quan nhất về triển vọng của châu Âu với khoảng 77% những người được khảo sát dự đoán, tăng trưởng trong khu vực sẽ suy yếu trong năm nay, gần gấp đôi con số được ghi nhận trong cuộc khảo sát hồi tháng 9.
Các nhà kinh tế cũng trở nên bi quan hơn về triển vọng của Mỹ khi chỉ có 56% số nhà kinh tế dự báo mức tăng trưởng vừa phải hoặc cao hơn trong năm nay, thấp hơn nhiều con số 78% trong khảo sát trước đó.
Nhìn chung các nhà kinh tế tỏ ra tích cực và không thay đổi quan điểm của họ đối với khu vực Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương, nhưng có quan điểm thận trọng hơn đối với Trung Quốc, với đa số (69%) hiện chỉ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vừa phải.
Mối quan tâm đặc biệt của các nhà kinh tế là những rạn nứt địa chính trị, với 69% các nhà kinh tế nói rằng họ dự đoán tốc độ phân mảnh địa chính trị sẽ tăng tốc vào năm 2024.
Một kết quả tích cực hơn trong cuộc khảo sát của WEF là kỳ vọng về lạm phát, với việc nới lỏng các điều kiện tài chính được 70% số người được hỏi mong đợi. Kỳ vọng của các nhà kinh tế về lạm phát cao đã giảm ở tất cả các khu vực, đặc biệt là châu Âu và Mỹ, mặc dù báo cáo lưu ý rằng 2/3 số người được khảo sát vẫn kỳ vọng lạm phát vừa phải ở cả hai khu vực này.