Kinh tế toàn cầu vẫn duy trì đà phục hồi
GDP quý III có thể tăng 1,8%
Theo chỉ số “dự báo tức thời” (Nowcast) của Bloomberg Economics, GDP toàn cầu trong quý này có thể tăng khoảng 1,8% so với quý II. Đây là sự cải thiện so với tốc độ ổn định trong quý trước và càng tích cực hơn nữa trong bối cảnh lo ngại biến thể Delta làm lây lan mạnh số ca nhiễm Covid mới trong thời gian gần đây sẽ làm chậm lại đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Cùng lúc đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng dự kiến sẽ tăng với tốc độ thấp hơn, khi lạm phát ở Hoa Kỳ dường như đã đạt đỉnh và sẽ bước vào xu hướng giảm sau khi liên tục tăng cao trong những tháng vừa qua. Xu hướng này tất yếu sẽ được lãnh đạo các NHTW trên toàn cầu hoan nghênh, như Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, người luôn “đặt cược” vào quan điểm cho rằng lạm phát tăng đột biến sẽ chỉ là tạm thời.
Chỉ số “dự báo tức thời” (Nowcast) của Bloomberg Economics về triển vọng phục hồi của một số nền kinh tế |
Các nhà kinh tế Bjorn Van Roye và Tom Orlik tại Bloomberg Economics, cho biết: “Nowcast không phản ánh được nhiều về tương lai và biến thể Delta có thể khiến bức tranh thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, các dữ liệu hiện tại đang cho thấy một khởi đầu tích cực cho quý III, với sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang tăng tốc trong khi lạm phát được điều chỉnh chậm lại”.
Từ doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ đến sản lượng của các nhà máy Trung Quốc, “Nowcast” của Bloomberg Economics tập hợp hàng trăm đầu mối dữ liệu để cung cấp tần suất dữ liệu cập nhật tức thời cao về dự kiến tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trước khi các dữ liệu GDP chính thức được công bố. Tuy nhiên, đằng sau dự kiến tăng trưởng toàn cầu tiếp tục mạnh mẽ thì dữ liệu với từng nền kinh tế lại cho thấy sự phục hồi rất khác nhau. Đơn cử với Trung Quốc - nước việc nhanh chóng kiểm soát được đại dịch và Mỹ - triển khải nhiều gói kích thích lớn, đã đẩy sản lượng lên trên mức đỉnh trước đại dịch, cho phép họ xứng đáng nhận được “công lao” trong việc thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu. Trong khi đó ở chiều ngược lại, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Vương quốc Anh vẫn chưa có được sự tăng trưởng để bù đắp cho những gì đã mất. Ở Nhật Bản, chậm trễ trong triển khai vắc-xin khiến việc phục hồi đang bị chậm lại.
Nhưng thay đổi có thể diễn ra nhanh chóng
Có một điều mà các dự báo tức thời không thể nắm bắt được, đó là những thay đổi trong tương lai về của các chính sách và hành động khi các quốc gia đang phải ứng phó đại dịch Covid-19, nhất là trước biến thể Delta đang khiến dịch lây lan nhanh. Ví dụ, sự phục hồi theo hình zíc zắc của kinh tế Ấn Độ cho thấy mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng thế nào. Ngay cả với các nền kinh tế đã và đang có sự phục hồi tốt như Trung Quốc và Mỹ, tình hình cũng có thể thay đổi nhanh chóng. Trung Quốc hiện phải đối mặt với những rủi ro mới khi chính phủ đang phải “chiến đấu” để ngăn chặn sự bùng phát dịch do biến thể Delta. Trong khi đó tại Mỹ, hãng hàng không Southwest Airlines hôm thứ Tư vừa qua cho biết, số ca nhiễm tăng lên nhanh trong những ngày gần đây đang ảnh hưởng (làm giảm) tỷ lệ đặt chỗ.
Đối với lạm phát, một số phân tích cho rằng đà tăng của lạm phát sẽ còn kéo dài, dẫn đến việc các NHTW khó duy trì lâu hơn các biện pháp nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế và chữa lành các vết thương của thị trường lao động vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch. Nhưng các mô hình “Nowcast” của Bloomberg Economics lại gợi ý một số khía cạnh cho thấy điều này chưa sớm xảy ra.
Như tại Mỹ, chỉ số CPI hè này đã tăng lên trên 5% so với cùng kỳ năm ngoái - tức nằm ngoài “vùng mục tiêu an toàn” của Fed - nhưng mô hình “Nowcast” cho thấy áp lực lạm phát sẽ đạt đỉnh và bắt đầu giảm trong quý III này. Thực tế, tốc độ tăng của CPI đã giảm mạnh trong tháng 7 vừa qua. Đối với khu vực đồng tiền chung Euro, dù sự phục hồi chậm nhưng tăng trưởng vẫn đang tăng tốc. Dự kiến lạm phát cũng sẽ tăng lên, nhưng sẽ không đến mức cao như đã thấy ở Mỹ. Trong khi đó tại Nhật Bản, mức tăng giá trong quý III dự kiến sẽ đi ngang ở mức 0,1% - cho thấy nguy cơ lạm phát tăng nhanh vẫn không lớn bằng nguy cơ giảm phát.
Đối với các NHTW lớn trên toàn cầu, sự phục hồi tăng trưởng kinh tế đúng hướng và rủi ro lạm phát lắng xuống có nghĩa là họ sẽ không vội thực hiện các động thái thay đổi lớn về mặt chính sách. Tuy nhiên, ngay cả khi lãi suất được giữ nguyên, các NHTW cũng đang bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh các hỗ trợ khác với nền kinh tế. Trong đó, Fed được kỳ vọng sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô chương trình mua vào tài sản từ đầu năm 2022. Các thông tin về những gì Fed sẽ làm có thể sẽ rõ ràng hơn sau Hội nghị của Fed tại Jackson Hole khai mạc ngày 26/8 tới. Tại một số thị trường mới nổi, với sự phục hồi nhanh hơn dự kiến và được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích tài khóa đáng kể, đã thúc đẩy một số NHTW bắt đầu bình thường hóa chính sách. Như Nga và Brazil đã bắt đầu tăng tỷ giá.
Trong khi đó, NHTW châu Âu (ECB) có thể đi theo hướng khác. Gần đây ECB đã đánh tiếng về khả năng chấp nhận lạm phát cao hơn, mở ra khả năng NHTW này sẽ tăng thêm việc mua tài sản. Tại Trung Quốc, để góp phần giải quyết tình trạng tăng trưởng chậm lại, NHTW nước này (PBoC) trong tháng 7 đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, qua đó khuyến khích các ngân hàng cho vay ra nhiều hơn. Rất có thể sự bùng phát ca nhiễm mới do biến thể Delta sẽ buộc PBoC phải hành động nhiều hơn nữa.