Kinh tế trang trại phát huy hiệu quả
Với lợi thế về đất đai, trên địa bàn Đăk Lăk đang phát triển mạnh mô hình làm kinh tế trang trại, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Nhiều mô hình có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ví như, trang trại của gia đình anh Nguyễn Ngọc Giáo ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) có quy mô khoảng 7ha. Gia đình anh Giáo trồng nhiều loại cây trồng công nghiệp, cây ăn trái và kết hợp chăn nuôi. Trong đó, có 3.500 trụ tiêu, 600 cây cà phê, 300 cây bơ, 200 cây sầu riêng, 40 cây vải và kết hợp chăn nuôi gần 1.000 con lợn, 30 con bò, 70 con dê, 3.000 con gà, 500m2 mặt nước nuôi cá…
Mô hình kinh tế trang trại đang mang lại hiệu quả cho hoạt động sản xuất nông nghiệp |
Trang trại của gia đình anh Giáo được đầu tư bài bản và có định hướng phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, sau 8 năm đi vào hoạt động, trang trại đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, với tổng lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, riêng lợi nhuận từ chăn nuôi đạt hơn 2 tỷ đồng. Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động ở địa phương, với thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Sau 10 năm phát triển, đến nay xã Cư Suê có nhiều mô hình kinh tế trang trại mang lại hiệu quả cao như thế. Hiện trên địa bàn xã có 22 trang trại và gia trại, hầu hết đều được xây dựng xa khu dân cư. Trong đó, có 18 gia trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, 1 trang trại vườn – ao – chuồng, còn lại các trại trồng hoa, rau an toàn, vừa sản xuất, vừa chế biến cà phê…
Trên toàn địa bàn huyện Cư M’gar đã có 256 trang trại. Trong đó, có 209 trang trại cây lâu năm, 31 trang trại cây hàng năm, 12 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại tổng hợp và 1 trang trại thủy sản, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 2.000ha. Trong số đó, có 55 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, chủ yếu là trang trại trồng cây lâu năm. Theo đó, bình quân số lao động của mỗi trang trại khoảng 6 người, tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động tại chỗ, góp phần xoá đói giảm nghèo cho một số người dân tại địa phương.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện Cư M’gar, mô hình kinh tế trang trại là một bước phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Hình thức tổ chức sản xuất này phù hợp để khai thác các loại đất, huy động nguồn vốn nhàn rỗi, phát huy thế mạnh của người nông dân, sử dụng nguồn lao động dư thừa trong nông thôn để sản xuất ra nhiều nông sản hàng hóa cung cấp cho xã hội.
Chính vì thế, không ít DN đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, mà Công ty cổ phần KD Green Farm là một điển hình. DN này bắt đầu xây dựng trang trại trồng chuối trên diện tích 100ha tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc vào năm 2019. DN đầu tư bài bản, chuyên nghiệp theo quy trình học hỏi từ Malaysia, ứng dụng nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng hiệu quả sản xuất cũng như hiệu suất lao động. Toàn bộ diện tích trồng chuối được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, hệ thống ròng rọc vận chuyển sau thu hoạch. Chuối sau thu hoạch được sơ chế và đóng gói ngay tại trang trại theo quy cách chuẩn để xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Hiện Công ty cổ phần KD Green Farm được cấp mã số vùng trồng cho 91ha chuối tại đây và được bảo hộ thương hiệu tại thị trường các nước nhập khẩu. Năm 2021, trang trại cho thu hoạch hơn 5.700 tấn chuối, mang lại lợi nhuận cho DN hơn 6 tỷ đồng. Dự kiến lợi nhuận năm 2022 khoảng hơn 11 tỷ đồng.
Trang trại tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện DN này đang mở rộng diện tích trang trại thêm 200ha để đáp ứng đơn đặt hàng ngày càng nhiều từ thị trường nước ngoài. Trong thời gian tới, DN cần tuyển thêm khoảng 200 lao động phổ thông tại địa phương và các địa bàn lân cận.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc, tổng diện tích đất nông nghiệp của địa phương khoảng 43.000ha, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Trong đó, kinh tế trang trại được UBND huyện Krông Pắc xác định đóng vai trò quan trọng. Trên địa bàn có 29 trang trại trồng trọt, chăn nuôi đang hoạt động trên địa bàn, với giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất, kinh doanh bình quân 600 triệu đồng/trang trại. Các trang trại đều chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều trang trại “mạnh tay” đầu tư trang bị các phương tiện, máy móc cơ giới vào sản xuất như ô tô vận chuyển, máy kéo, máy bơm công suất lớn; hệ thống tưới tiết kiệm trong trồng trọt; hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động trong chăn nuôi; ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải, nước thải; tận dụng mái che làm điện năng lượng mặt trời… Sản phẩm ổn định về chất lượng, giá thành thấp, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, xây dựng được chuỗi cung ứng - tiêu thụ trong sản xuất.