Kinh tế Trung Quốc đang trì trệ bởi dịch Covid
Vì thế hiện các địa phương đang phải đối mặt với nhiều thách thức cùng lúc. Đó là vừa phải kiểm soát sự bùng phát của Covid; hạn chế sự lây lan của một biến thể mới dễ lây lan như Omicron, trong khi vẫn phải hỗ trợ tăng trưởng để đạt được mục tiêu tăng GDP quốc gia khoảng 5,5% như đã đề ra.
Mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu các quan chức ở tất cả các cấp phải ưu tiên hàng đầu cho việc ứng phó với dịch bệnh. Bất kỳ quan chức địa phương nào không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình dẫn đến sự việc lây lan nghiêm trọng sẽ bị điều tra và xử lý nghiêm theo kỷ luật và quy định.
Ảnh minh họa |
Kết quả là hàng chục quan chức địa phương của Trung Quốc đã mất việc hoặc nhận các hình phạt sau khi không ngăn chặn được số ca nhiễm bệnh tăng đột biến. Hiện số ca nhiễm Covid hàng ngày của Trung Quốc đại lục vẫn ở mức trên 1.000 ca, với hàng trăm trường hợp không có triệu chứng.
Các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh tế. Chẳng hạn chính quyền thành phố Đường Sơn của Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tất cả các phương tiện không khẩn cấp lưu thông trên đường, ngoại trừ những phương tiện được ưu tiên đặc biệt. Một số quận đã yêu cầu người dân ở nhà và yêu cầu các cơ sở kinh doanh như phòng tập thể dục đóng cửa.
Trung tâm luyện thép lớn nhất của thành phố này cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Theo thông tin từ hãng tin tức tài chính Trung Quốc Cailian, các doanh nghiệp hậu cần và thương mại thép của Đường Sơn đã ngừng hoạt động và nhà máy đã đóng cửa, chỉ duy trì một vài công nhân để sản xuất cơ bản.
Ở miền nam Trung Quốc, thành phố công nghệ và sản xuất Thâm Quyến đang cố gắng duy trì cho các cảng mở cửa mặc dù trong tuần trước đã có lệnh tạm dừng các hoạt động kinh doanh và sản xuất. Đại diện Công ty vận tải khổng lồ Maersk cho biết, các yêu cầu kiểm tra của Covid đối với tài xế xe tải và kiểm soát đường bộ chặt chẽ hơn giữa Thâm Quyến và các thành phố lân cận khiến dịch vụ vận tải đường bộ trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sụt giảm tới 40%. “Do đó, thời gian giao hàng sẽ lâu hơn và chi phí vận tải có thể tăng như phí đi đường vòng và phí đường cao tốc”, Maersk nói.
Ông Bruce Pang - Trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance cho biết, tác động của các cú sốc về đứt gãy chuỗi cung ứng đối với chi tiêu của người tiêu dùng và ngành dịch vụ là rất lớn. Người dân không biết thời điểm nào đại dịch được kiểm soát nên không dám chi tiêu nhiều và sẽ tập trung vào tiết kiệm. Chi tiêu của người tiêu dùng hiện vẫn đang ở mức thấp kể từ khi đại dịch bắt đầu. Việc Bắc Kinh siết chặt các biện pháp chống dịch do Omciron xuất hiện, thị trường bất động sản suy thoái và nỗ lực kiểm soát nợ của chính phủ Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sức tiêu thụ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo phân tích của Hang Seng China Wang, các nhà máy cũng đang đóng cửa vì nhiều lý do khác nhau, không hoàn toàn do dịch bệnh. Nhiều nhà máy đã đóng cửa trước đợt bùng phát dịch gần đây là do chi phí nguyên liệu thô tăng cao và việc kiểm soát giá chặt chẽ đối với các sản phẩm cuối cùng như thực phẩm và khí đốt. Chi phí sản xuất tăng trong khi không thể tăng giá sản phẩm đương nhiên sẽ làm giảm lợi nhuận dẫn đến việc các nhà máy buộc phải ngừng sản xuất.
Theo hãng thông tấn Reuters, hồi tuần trước, Telsa đã đình chỉ sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải mà không đưa ra lý do cụ thể. Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, chỉ đưa ra một cảnh báo trên trang Tweet cá nhân rằng Tesla & SpaceX đang phải trải qua áp lực lạm phát đáng kể gần đây trong lĩnh vực nguyên liệu và hậu cần.