Kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều khó khăn
Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm 24/10 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 3,9% trong quý III so với một năm trước đó, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 0,2% của quý II và cũng cao hơn so với mức 3,4% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Trung Quốc đặt ra trong năm nay. Trên cơ sở hàng quý, GDP quý III tăng 3,9% so với quý trước sau khi giảm 2,7% trong quý II.
Ảnh minh họa |
Nền kinh tế được thúc đẩy nhờ sản xuất, với dữ liệu riêng biệt cho thấy sản lượng công nghiệp trong tháng 9 đã tăng 6,3% so với một năm trước đó, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,2% của tháng 8 và cả mức tăng 4,5% theo dự báo của giới chuyên môn.
Xuất khẩu cũng tăng trưởng khá mạnh, qua đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung. Theo đó giá trị xuất khẩu tính bằng USD trong 5,7% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia được Reuters khảo sát là chỉ tăng 4,1%.
Tuy nhiên nhu cầu trong nước giảm dần vào cuối quý do sự bùng phát các trường hợp lây nhiễm Covid-19 mới dẫn đến việc đóng cửa để kiểm soát dịch, trong khi tăng trưởng xuất khẩu cũng chậm lại và lĩnh vực bất động sản tiếp tục suy giảm, cho thấy sự phục hồi vẫn rất mong manh.
Quả vậy số liệu thống kê cho thấy, doanh số bán lẻ chỉ tăng 2,5% trong tháng 9 so với một năm trước, chậm lại so với tháng 8 và thấp hơn mức 3,3% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters. Việc nhập khẩu (tính bằng USD) cũng chỉ tăng 0,3% trong tháng 9 so với một năm trước, thấp hơn dự báo của giới chuyên môn, cũng phần nào cho thấy triển vọng không mấy lạc quan của cầu nội địa.
“Những dữ liệu này gửi một thông điệp quan trọng rằng ngay cả khi các biện pháp kiểm soát Covid đã trở nên linh hoạt hơn vì nó phụ thuộc vào số lượng các trường hợp lây nhiễm, việc đóng cửa vẫn là một bất ổn lớn đối với nền kinh tế với bối cảnh của cuộc khủng hoảng bất động sản”, Iris Pang - Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ING nói.
Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics cũng cho rằng: Sự gián đoạn vi-rút tái diễn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của con người và không thể loại trừ việc đóng cửa quy mô lớn hơn nữa.
Bên cạnh những rủi ro trong nước, nền kinh tế Trung Quốc còn phải chịu sức ép từ bên ngoài bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và suy thoái toàn cầu do việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát nóng.
Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Reuters dự báo, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 3,2% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà nước này đề ra là 5,5%, ghi nhận một trong những năm tăng trưởng yếu nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong gần nửa thế kỷ qua.
Mặc dù thời gian gần đây Trung Quốc dường như không quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 5,5% bằng mọi giá, song trên thực tế các nhà hoạch định chính sách nước này đã đưa ra hơn 50 biện pháp hỗ trợ kể từ cuối tháng 5 nhằm thúc đẩy nền kinh tế để giảm bớt áp lực việc làm.
“Về mặt chính sách, chính sách tổng thể sẽ vẫn hỗ trợ”, Hao Zhou - Nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International cho biết. “Theo quan điểm của chúng tôi, cần phải có thêm động lực chính sách để thúc đẩy kinh tế phục hồi, nhưng việc cắt giảm lãi suất bổ sung là khó có thể xảy ra trong thời kỳ ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất mạnh mẽ”.