Kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều khó khăn
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khá Nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chậm lại trong quý II |
Tiêu dùng yếu ớt cản trở tăng trưởng
Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cuối tuần trước cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nước này tăng 0,5% so với tháng trước sau khi giảm 0,2% trong tháng 6. Còn so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7 cũng tăng 0,5%, cao hơn nhiều mức tăng 0,2% của tháng 6 và cũng cao hơn so với mức tăng 0,3% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Tuy nhiên theo nhà thống kê Dong Lijuan của NBS, nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng trong tháng 7 là do nhiệt độ cao và lượng mưa ở một số khu vực đã đẩy giá thực phẩm lên cao.
Báo cáo của NBS cũng cho thấy giá thực phẩm tháng 7 đã tăng 1,2% so với tháng trước (tháng 6 giảm 0,6%) và không đổi so với cùng kỳ năm trước (tháng 6 giảm 2,1%). Trong khi lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7, giảm so với mức tăng 0,6% của tháng 6.
Tiêu dùng tại Trung Quốc vẫn yếu |
“Có sự tương phản rõ rệt giữa CPI bao gồm thực phẩm và CPI không bao gồm thực phẩm... không có hàng hóa và dịch vụ nào khác chứng kiến động thái lạm phát, cho thấy không có dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu trong nước tăng lên”, Xu Tianchen - Nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit cho biết.
Theo các nhà phân tích, suy thoái bất động sản kéo dài và kỳ vọng tăng trưởng thu nhập hộ gia đình yếu đã làm giảm đầu tư kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng. Đặc biệt người tiêu dùng hiện hạn chế mua những mặt hàng đắt tiền. Doanh số bán ô tô, thành phần lớn nhất trong doanh số bán lẻ của Trung Quốc, đã giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 7.
Nhu cầu nội địa yếu đang là trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế, trong khi hy vọng về sự phục hồi của xuất khẩu cũng bị kìm hãm bởi căng thẳng thương mại gia tăng với phương Tây, cộng thêm triển vọng chưa mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu.
Tuần này Trung Quốc sẽ công bố thêm các dữ liệu về doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư trong tháng 7, cung cấp thêm manh mối về động lực kinh tế trong nửa cuối năm 2024.
Cần nhiều biện pháp kích thích
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết vào cuối tháng 7 rằng các biện pháp kích thích cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là khoảng 5% sẽ nhắm vào người tiêu dùng.
Chỉ vài ngày trước, Trung Quốc đã công bố kế hoạch sử dụng 150 tỷ nhân dân tệ (20,9 tỷ USD) nợ chính phủ để tài trợ cho việc đổi hàng tiêu dùng như đồ gia dụng để kích thích chi tiêu. Nhưng nỗ lực đó chỉ chiếm 0,12% GDP và các nhà phân tích cho rằng nước này cần nhiều biện pháp kích thích hơn nữa nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bất ngờ cắt giảm một số mức lãi suất chính sách, bao gồm cả lãi suất cho hoạt động cho vay trung hạn (MLF), nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tại cuộc họp tuần trước, PBoC đã cam kết sẽ hạ chi phí tài chính và tăng cường điều chỉnh theo chu kỳ ngược.
Trong báo cáo thực hiện chính sách tiền tệ quý 2 được công bố cuối tuần trước, PBoC cho biết: “Cần phải làm giàu bộ công cụ chính sách tiền tệ, làm giàu và cải thiện các phương pháp bơm tiền cơ sở, và dần tăng cường mua và bán trái phiếu chính phủ trong các hoạt động thị trường mở của ngân hàng trung ương”, PBoC cho biết.
PBoC cũng sẽ tìm cách giảm dần chi phí tài trợ cho các công ty và tín dụng hộ gia đình, báo cáo cho biết và nói thêm rằng, chính sách tiền tệ thận trọng phải "linh hoạt, vừa phải, chính xác và hiệu quả". PBoC cũng sẽ "hướng dẫn tín dụng tăng trưởng hợp lý và cân bằng nguồn cung tín dụng trong khi vẫn duy trì thanh khoản ở mức hợp lý". Đồng thời nghiên cứu các kế hoạch thu hẹp hành lang lãi suất một cách thích hợp và đưa ra các tín hiệu rõ ràng hơn về việc điều chỉnh lãi suất cho thị trường. Bên cạnh đó, PBoC cũng sẽ chú ý chặt chẽ đến những thay đổi trong chính sách tiền tệ của các NHTW lớn ở nước ngoài…
Để đạt được sự phát triển ổn định và lành mạnh của lĩnh vực bất động sản, PBoC cho biết họ sẽ tăng cường hỗ trợ cho xây dựng và tìm cách thúc đẩy nguồn cung nhà ở giá rẻ. Cơ quan này cũng cho biết việc giữ giá ổn định và đảm bảo lạm phát ở mức vừa phải vẫn là một cân nhắc quan trọng trong chính sách tiền tệ, đồng thời cho biết thêm rằng họ sẽ giữ giá cả ở "mức hợp lý".