Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân
Xuất phát từ thực tiễn của nhiệm vụ, ngày 22/11/2014 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”
Sự ra đời của Chỉ thị 40-CT/TW có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không ngừng nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên, các tổ chức và cá nhân có liên quan về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện có hiệu quả Chương trình, mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và chương trình xây dựng Nông thôn mới; Phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị trong việc phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực tiễn cho thấy việc cung cấp tín dụng chính sách xã hội không những đáp ứng nhu cầu tài chính của hộ nghèo, các đối tượng chính sách mà còn nâng cao năng lực và địa vị xã hội của họ, góp phần vào sự tiến bộ của xã hội; xét trên phương diện đời sống xã hội, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng “tín dụng đen” ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay; là công cụ hữu hiệu tích cực góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội....
Thành phố Cẩm Phả nằm ở vùng Đông bắc của Tổ quốc. Gồm có 3 xã và 13 phường với trên 20 vạn dân. Trong những năm qua kinh tế của Thành phố Cẩm Phả tiếp tục phát triển ổn định và bền vững. Thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công hàng năm luôn đứng trong tốp đầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng của HĐND-UBND thành phố đề ra, tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, xây dựng, nông - lâm - thủy sản và dịch vụ đều tăng. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 18.004 tỷ đồng.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của Ngân hàng chính sách xã hội, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 16/16 xã, phường trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới.
Bình quân mỗi năm Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố giải ngân gần 2.000 lượt hộ gia đình được vay vốn. Thông qua vay vốn Ngân hàng, người dân từng bước làm quen với tín dụng chính sách, có ý thức vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại việc cho không, cấp không của nhà nước và hạn chế việc người dân thiếu vốn kinh doanh phải vay nặng lãi từ tín dụng đen. Trong những năm qua các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua ngân hàng CSXH thành phố đã góp phần giúp cho 27.423 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho bản thân và gia đình, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã thu hút và tạo được 6.229 người lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập từ trung bình đến khá, có những hộ đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đã cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã tạo điều kiện cho 2.850 học sinh sinh viên có điều kiện trang trải học phí và sinh hoạt phí, giúp các em và gia đình bớt đi những khó khăn trong suốt thời gian theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp 2.563 hộ gia đình sinh sống tại khu vực nông thôn xây dựng mới, sửa được 2.540 công trình cung cấp nước sạch, 2.586 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Từ đó chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình sống ở khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt. Đã cho vay được 166 hộ gia đình sửa chữa cải tạo, xây mới nhà để ở, tạo điều kiện cho 10 doanh nghiệp được vay vốn trả lương cho 157 lao động, 21 cơ sở giáo dục mần non bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...
Một số gương điển hình vươn lên từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Được vay vốn ưu đãi, người dân tin vào đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhâ dân phấn khởi đón nhận và có trách nhiệm với đồng vốn vay, đến hạn trả nợ đầy đủ cả gốc và lãi. Hàng năm, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Điển hình một số hộ vay vốn như: Gia đình hộ bà Tô Thị Hồng, khu Hải Sơn 2 phường Cẩm Đông trước là hộ nghèo (năm 2017) có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn bản thân sức khỏe yếu không có việc làm, một mình nuôi 2 con nhỏ, được NHCSXH thành phố cho vay số tiền 50 triệu đồng để đóng than tổ ong, sau thời gian đóng than có hiệu quả hiện vươn lên thoát nghèo, cuộc sống dần cải thiện. Gia đình bà Tô Thị Vương, thôn Giữa xã Cộng Hòa trước là Hộ nghèo có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn bản thân bị bệnh hiểm nghèo không có việc làm, một mình nuôi 3 con nhỏ, được vay số tiền 50 triệu đồng để chăn nuôi lợn sau thời gian chăn nuôi có hiệu quả, cuộc sống dần cải thiện. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và bản thân bà đã dành dụm tiền để xây được nhà cấp 4 khang trang, rộng rãi vươn lên thoát nghèo. Gia đình bà Ngô Thị Hải, tổ 6 khu Hoàng Thạch Phường Cẩm Thạch trước là Hộ cận nghèo có hoàn cảnh kinh tế, được vay số tiền 50 triệu đồng để bán hàng tập hóa sau 2 năm cùng với sự giúp đỡ của chính quyền và bản thân dành dụm tiền để xây được nhà vươn lên thoát nghèo và tiếp tục vay vốn chương trình giải quyết việc làm để bán tạp hóa cải thiện kinh tế gia đình và duy trì việc làm cho bản thân.
Những năm qua, nguồn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm đã phát huy vai trò to lớn giúp cho hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn mở rộng, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Qua đó đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Điển hình: hộ anh Phạm Thành Đạt (sinh năm 1988) và chị Lê Thị Phương (1991), tổ 2 khu Hoàng Thạch, phường Cẩm Thạch. Từ năm 2021, gia đình anh chị đã vay vốn Ngân hàng chính sách xã CXSH với số tiền là 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư làm bia đá. Từ nguồn vốn đó, anh chị đã đầu tư mua đá, xi măng về đắp các loại mặt hàng bằng đá bán ra thị trường. Khi thấy có hiệu quả kinh tế, từ đó đã mở rộng cơ sở kinh doanh mới tại đất bố mẹ và tạo thêm việc làm cho anh, em trong gia đình. Từ đó thu nhập của gia đình chị ngày càng cải thiện. Hiện nay, gia đình chị đang quản lý 01 xưởng đá với 04 lao động thu nhập bình quân mỗi người từ 8-10 triệu đồng/tháng, trừ chi phí đầu tư, mỗi tháng lãi từ 20-25 triệu đồng, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập từ 240- 250 triệu đồng giúp gia đình vươn lên làm giàu chính đáng.
Mô hình làm bia đã của hộ chị Lê Thị Phương tổ 2. khu Hoàng Thạch, phường Cẩm Thạch |
Hộ anh Nguyễn Quốc Hương (1988) và chị Phạm Thị Nga tại tổ 3 khu 4B, phường Quang Hanh. Năm 2022, gia đình anh chị đã vay vốn của Ngân hàng CSXH với số tiền là 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư bán hàng gas. Từ nguồn vốn đó, anh chị đã đầu tư 50 bình gas và 50 bếp gas tại 01 cửa hàng tại tổ 3 khu 4B, phường Quang Hanh. Khi thấy có hiệu quả kinh tế, từ đó đã mở rộng cơ sở kinh doanh mới tại khu 10A, phường Quang Hanh. Trong quá trình kinh doanh, anh chị còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về phòng cháy chữa cháy, môi trường và các kỹ năng chuyên môn xử lý bình gas. Từ đó thu nhập của gia đình chị ngày càng cải thiện. Hiện nay, gia đình chị đang quản lý 02 cửa hàng gas với số lượng tiêu thụ gần 1.000 bình gas và 20 bếp gas với tổng đầu tư 500 triệu đồng/tháng, trừ chi phí đầu tư, mỗi tháng lãi từ 30-40 triệu đồng, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập từ 360-480 triệu đồng.
Mô hình bán ga của hộ chị Phạm Thị Nga tại tổ 3 khu 4B, phường Quang Hanh |
Hộ Chị Lưu Thị Mến (sinh năm 1983), khu 2A và hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1973), khu 3, Cẩm Phú. Gia đình các chị đã vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền là 50 -100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư bán hàng. Từ nguồn vốn đó, các chị đã đầu tư mở cửa hàng tạp hóa tại chợ Cẩm Phú. Trong quá trình kinh doanh, các chị còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về phòng cháy chữa cháy do phường tổ chức và chấp hành tốt các chủ chương chính sách pháp luật nhà nước. Từ đó thu nhập của gia đình các chị ngày càng cải thiện. Hiện nay, gia đình chị với tổng đầu tư 200 triệu đồng/tháng mỗi tháng lãi từ 14-20 triệu đồng, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập từ 170-240 triệu đồng.
Mô hình bán hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hòa khu 3, phường Cẩm Phú |
Hộ chị Nguyễn Thị Phượng (Sinh năm 1980) trú tại tổ 26, khu Đồng Hải 1, phường Cẩm Đông). Năm 2022, chị đã vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền là 60 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm và thêm 300 triệu đồng vốn sẵn có để đầu tư bán hàng Quần áo. Từ nguồn vốn đó, chị đã đầu tư một ki ốt bán hàng quần áo, gồm rất nhiều mặt hàng tại Chợ Cẩm Đông, thu nhập thời điểm đó mỗi tháng mang lại cho gia đình từ 6-7 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, chi đã đầu tư thêm gần 100 triệu đồng vốn để nhập thêm hàng, mỗi tháng thu nhập từ 9-10 triệu đồng.
Mô hình bán hàng quần áo của chị Nguyễn Thị Phượng - tổ 26, khu Đông Hải 1, phường Cẩm Đông |
Kinh nghiệm trong việc triển khai, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW
- Thứ nhất, đó là sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ổn định và bền vững của hoạt động tín dụng chính sách xã hội; kịp thời ban hành chính sách đồng bộ hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bảo đảm thoát nghèo bền vững.
- Thứ hai, NHCSXH đã xây dựng mô hình tổ chức đặc thù; tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị. Mô hình này đã huy động được sức mạnh của các tổ chức chính trị xã hội và toàn xã hội dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
- Thứ ba, cần tiếp tục duy trì và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương; thường xuyên làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về ý thức trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác và người dân trong việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
- Thứ tư, hằng năm, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị; kịp thời khen thưởng để động viên nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tồn tại để tổ chức thực hiện Chỉ thị tốt hơn cho những năm tiếp theo.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06- KL/TW, tích cực góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 40- CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW từ huyện đến cơ sở, góp phần chuyển biến tích cực trong việc chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân. Xác định nhiệm vụ chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố và thúc đẩy phát triển kinh tế,...
- Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, khó khăn, sâu sát trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của NHCSXH trên địa bàn nhằm chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng.
-Tập trung nguồn vốn ngân sách về một đầu mối NHCSXH quản lý, tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giảm dần sự hỗ trợ cho không các đối tượng chính sách, chuyển sang cơ chế hỗ trợ vốn có thu lãi với lãi suất ưu đãi nhằm nâng cao trách nhiệm của người sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
- Đẩy mạnh phát triển sản phẩm truyền thống, đặc thù của địa phương gắn nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm OCOP của từng địa phương gắn với hỗ trợ vốn tín dụng chính sách.
-Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên của hộ nghèo và đối tượng chính sách, giảm dần sự trông chờ, lệ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước,... chuyển dần hướng sang thực hiện tín dụng ưu đãi thay vì cho không.
- Tăng cường công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội, ưu đãi của Nhà nước, hướng dẫn công tác khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; phổ biến mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả; các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
- Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thường xuyên phối hợp với NHCSXH xây dựng kế hoạch tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng các chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền một cách thường xuyên, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về tín dụng chính sách xã hội.
Trên đây là bài dự thi Cuộc thi viết “Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng lòng Dân”, thể hiện nhận thức, kinh nghiệm, và giải pháp của cá nhân trong triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.