Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hành trình tháng Năm
Cách thành phố Huế 7km trên đường về cửa biển Thuận An, làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế được biết đến là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, là một di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lưu niệm về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt trong thời gian Bác cùng anh trai theo cha về sinh sống, học tập tại làng Dương Nỗ giai đoạn 1898 - 1900.
Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học tại làng Dương Nỗ. Hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (tên thuở nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) theo cha về đây, để ông Sắc có điều kiện dạy học cho hai con đã đến tuổi học chữ. Về đây, ông Sắc được gia đình ông Độ giao cho ngôi nhà lợp tranh làm chỗ ở cho ông và hai con, đồng thời cũng là nơi ông Sắc mở lớp dạy học. Tại ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm được chính người thầy và cũng là người cha của mình khai tâm bằng những bài học chữ Hán đầu tiên.
Ấy là ngôi nhà gỗ ba gian, hai chái, mái lợp tranh, xung quanh thưng bằng gỗ ván. Cách bài trí trong nhà tiện lợi và đẹp mắt mang dáng dấp ngôi nhà của ông đồ nho xứ Nghệ. Lớp học đặt ở đây, nhưng không có bàn, ghế, chỉ có bức phản ngựa gỗ kê ở hai gian bên để học trò ngồi học, gian giữa có kê bức phản lớn. Trước một án thờ là nơi ngồi giảng bài của ông Sắc. Ở góc trong hai gian kế gian giữa có kê chiếc chõng tre, bên trái kê chiếc sập đựng đồ đạc cho ba cha con. Hai chái hai đầu nhà là hai buồng: một buồng là nơi cất áo quần, một buồng là để cơm gạo. Hai bên lối vào nhà có hai hàng dâm bụt đưọc cắt xén cẩn thận, trước mặt là dòng sông Phổ Lợi, xung quanh nhà hoa thơm ngát bốn mùa, chiều hè gió từ biển Thuận An thổi lên vừa mát vừa nồng nàn hương biển. Khung cảnh làng quê và ngôi nhà như gợi nhớ về làng Kim Liên nơi quê Bác.
Ngoài ra, đình làng Dương Nỗ còn mang những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa tiêu biểu của một thiết chế văn hóa làng xã Việt Nam trên đất Huế, với những nét đặc trưng và phong cách độc đáo, đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích văn hoá nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1995. Du khách đến Dương Nỗ không chỉ thăm ngôi nhà giản dị tuổi ấu thơ của Bác Hồ mà còn thăm ngôi đình, dòng sông, bến nước, miếu Am Bà... là những nơi ngày xưa Bác thường lui tới, vui chơi, học tập với bạn bè.
Hành trình tháng Năm
Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, với chủ đề “Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm”, chương trình Lễ hội làng Dương Nỗ năm nay là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023). Lễ hội nhằm giới thiệu đến khách tham quan các giá trị tinh thần của di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế, trong đó có các di tích Quốc gia đặc biệt. Đồng thời, xây dựng lễ hội thành sản phẩm văn hóa độc đáo, góp phần gắn kết giữa di tích với cộng đồng, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời gắn với phát triển du lịch.
Theo đó, từ ngày 16 - 18/5/2023 tại Nhà lưu niệm thời niên thiếu Bác Hồ và Đình làng Dương Nỗ, sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật: Lễ rước hoa Sen và dâng hoa, dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh; Triển lãm ảnh nghệ thuật “Nét đẹp Di sản Hồ Chí Minh”; Triển lãm mỹ thuật “Tranh dân gian Việt Nam”; Trải nghiệm làm hoa sen giấy, in tranh, viết thư pháp; Trải nghiệm ẩm thực truyền thống làng Dương Nỗ; trò chơi dân gian; Thi vẽ tranh với chủ đề “Thiếu nhi với Bác Hồ”; Chương trình ca Huế và Bolero; Hội đua trải truyền thống.
Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ - nơi sẽ diễn ra nhiều hoạt động của lễ hội (Ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế) |
Đặc biệt, trước đó đêm 12/5/2023, nhân dịp kỷ niệm 155 năm ngày sinh bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) và 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật “Người mẹ Làng Sen”. Đây là lần đầu tiên một chương trình nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh được diễn ra tại Nghệ An và Huế, 2 địa danh gắn liền với thời niên thiếu của Bác Hồ trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Cùng với quê hương xứ Nghệ, Thừa Thiên - Huế được xem như là quê hương thứ hai, nơi in đậm dấu ấn tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình. Đây là nơi Bà Hoàng Thị Loan đã yên nghỉ phía Tây núi Bân (núi Tam Tầng) Huế trong 30 năm, đến năm 1922 mới được đưa về với quê mẹ. Huế là nơi Bác đã sống, lao động, học tập, tham gia các hoạt động yêu nước, bước đầu hun đúc, hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Người, để từ đó Bác quyết định ra đi tìm đường “cứu dân - cứu nước”.
Chương trình Nghệ thuật “Người mẹ Làng Sen” tại điểm cầu Huế được tổ chức theo 3 trường đoạn: Chương 1: “Từ cánh võng Làng Sen” - Chương 2: “Đóa sen thanh cao” - Chương 3: “Rạng rỡ Việt Nam” nhằm tôn vinh hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan với những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, ghi nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc đời và sự nghiệp qua đó tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy ý chí tự lực tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc...