Ký ức mo cau
Người ta thường nhớ về ngôi nhà thời thơ ấu nơi quê hương của mình qua hình ảnh lũy tre, cây đa, cây dừa, hàng tràm, nhành trứng cá. Nhưng riêng với Sa, ký ức về mo cau lại sâu đậm nhất.
Không biết tự bao giờ hàng cau thân vút cao, thẳng tắp đã che chở cho mái nhà của Sa. Sa nhớ nhất những chiếc mo cau.
Ảnh: MH
Thuở nhỏ, mỗi lần đang ngủ trưa nghe tiếng gió kéo theo một tiếng “độp” thật to, thể nào Sa cũng bỏ giấc chạy ra. Sa sẽ lượm vào những chiếc mo cau khô già đặt dưới ổ rơm lơ lửng của gà mái mơ. Theo thời gian, đám mo cau nhiều thêm. Một buổi chiều hè mát mẻ, bằng một con dao cau thật sắc, cha rọc hết lớp lá còn sót lại trên mo. Chiếc nào già dặn, cứng cáp, tròn trĩnh sẽ trở thành quạt mo. Chiếc nào chưa biết dùng vào việc gì, cha giắt lên kẽ hở giữa mái ngói và hoành tre.
Mo cau già có một mùi hương đặc biệt. Quạt mo dường như chứa cả một suối nguồn gió mát dễ chịu. Mùa sim, các anh chị em trong nhà rủ nhau lên đồi hái. Sau mưa, có hôm hái được lưng lửng thúng. Bà đậy bằng hai chiếc mo cau quẩy ra chợ bán cho những người thích ăn vặt. Sa lẽo đẽo theo sau phụ bà đong sim vào mo. Lưng mo được một nghìn đồng. Bán hết, bà mua cho mỗi đứa cháu một cái bánh kê đường, ăn vào bùi bùi, ngọt lịm mãi trên đầu lưỡi.
Thuở ấy, bắt chước bài hát “Người phu kéo mo cau”, đám bạn trong xóm kéo nhau ra con dốc đất bột sau nhà Sa, con gái ngồi trên chiếc mo lớn, giữ chặt lấy thân mo, con trai cầm phần lá dài, ra sức chạy xuống dốc. Sa cũng thèm chơi lắm nhưng các anh chị giữ rịt nên không theo chơi được. Mãi đến hôm bà đi ăn giỗ, cha mẹ đi làm, các anh chị đi tổng kết năm học, Sa vác chiếc mo cau lớn nhất ra xin được chơi cùng, nhìn chiếc mo cau to lớn, đẹp đẽ, ai cũng “thèm”. Lần lượt từng đứa con gái ngồi trong vòm mo, mãi cuối cùng mới đến lượt Sa. Sa còi cọc nên ngồi lọt thỏm trong vòm, tay ôm lấy vành mo, sung sướng trượt xuống theo lớp bụi mù. Sau này đi tàu lượn, cáp treo nhiều, Sa cũng không thấy ở đâu cái cảm giác chân thực, giản dị tuyệt vời như ngồi trên mo cau ngày ấy.
Rất lâu Sa mới lại về nhà. Hàng cau vẫn còn đó, cao vút dưới nắng hè, nhưng giờ người ta dùng quạt tích điện, quạt phun hơi nước, mua dứa gọt sẵn. Sa ra con dốc sau nhà, đất bột không còn dày đặc như xưa, cũng chẳng còn đứa con nít nào chơi trò kéo mo cau. Buổi chiều, các chị dâu tíu tít rủ nhau đi nhổ mạ mới chợt nhớ ra vụ gặt vừa rồi quên để dành thân lúa để buộc mạ. “Em có cách. Các chị cứ đi trước đi, lát nữa em mang dây buộc mạ ra”, Sa nhận. Mọi người đi rồi, Sa bước ra ổ rơm lơ lửng của gà mái mơ, cúi xuống nhặt lấy những mo cau ai đó đã xếp lại. Bằng con dao cau thật sắc, Sa rọc theo thân từng chiếc mo cau, mỗi mo được chừng bảy, tám sợi. Sa ngâm tất cả vào một chậu nước to. Chúng mềm dẻo và dậy lên thứ hương thơm xưa cũ làm Sa lặng đi.
Sa biết, trong đời, có những kỷ niệm không dễ quên đi.
Sa Nam