Lãi suất cao, người gửi kẻ vay đều thiệt
Các NHTW lớn tiếp tục thắt chặt chính sách Chính sách tiền tệ toàn cầu trước vòng xoáy lạm phát |
Thực tế không như lý thuyết
Ủy ban Quản lý Tài chính Vương quốc Anh mới đây đã gặp gỡ các ông chủ của các ngân hàng lớn nhất của đất nước để yêu cầu họ giải thích lý do tại sao lãi suất trên tài khoản tiết kiệm lại thấp hơn nhiều so với lãi suất chính sách của NHTW – cũng như lãi suất mà họ tính cho các khoản thế chấp và các khoản vay khác lại cao hơn. “Họ nhận ra rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp người tiêu dùng tiếp cận các mức lãi suất tốt nhất. Chúng tôi cũng nhận ra rằng cần phải có thêm các hướng dẫn và sẽ tiếp tục tập trung vào vấn đề này”, Ủy ban Quản lý Tài chính cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng lớn vừa qua. Một số nhà lập pháp và những người ủng hộ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng, “trục lợi” là lý do khiến lãi suất tiết kiệm đang không theo kịp lãi suất chính sách.
Tại Anh, các nhà cho vay đang tính đối với các khoản vay thế chấp có lãi suất cố định trung bình hai năm ở mức mức lãi suất 6,47% |
Nhưng không chỉ ở Anh, câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở những thị trường khác ở châu Âu và Hoa Kỳ. Sau hơn một năm các lãi suất chính sách tăng mạnh mẽ để chế ngự lạm phát, tiền lãi mà những người tiết kiệm “kiếm được” từ gửi tiền cũng chẳng đáng là bao. Tại Mỹ, chi phí đi vay chuẩn hiện nằm trong khoảng từ 5% đến 5,25%, nhưng tài khoản tiết kiệm thông thường chỉ trả lãi suất hàng năm là 0,42%, theo Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Trong khi đó, chi phí của một khoản thế chấp có lãi suất cố định 30 năm điển hình đã lên tới 6,71%.
Trong số 20 quốc gia đồng tiền chung châu Âu, tài khoản tiết kiệm truy cập tức thời (là tài khoản tiền gửi có lãi suất thấp nhưng khách hàng có thể rút tiền ngay khi cần) có mức trả lãi trung bình hàng năm khoảng 0,21%, theo dữ liệu tạm thời từ NHTW châu Âu (ECB), trong khi vay thế chấp trung bình đi kèm với khoản phí 3,44%.
Tại Vương quốc Anh, tài khoản tiết kiệm truy cập tức thời điển hình đang có được 2,42% tiền lãi, theo trang web so sánh sản phẩm tài chính Moneyfacts. Con số này chưa bằng một nửa so với lãi suất chính thức của NHTW Anh (BoE) là 5% và thấp hơn nhiều so với mức lãi suất 6,47% mà các nhà cho vay đang tính đối với các khoản vay thế chấp có lãi suất cố định trung bình hai năm. Trên cơ sở đó, giả định một chủ nhà ở Anh với khoản vay thế chấp 100.000 bảng Anh (127.200 USD) và 100.000 bảng Anh trong tài khoản tiết kiệm có thể phải trả gần 540 bảng Anh (698 USD) mỗi tháng cho khoản vay, trong khi chỉ nhận được khoảng 200 bảng Anh (254 USD) từ lãi tiền gửi tài khoản tức thời.
Các ngân hàng lớn thường kiếm được nhiều lợi nhuận bằng cách cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất họ trả cho người gửi tiết kiệm, nhưng khoảng cách chênh lệch giữa hai mức lãi suất ngày càng lớn gần đây là nguyên nhân thúc đẩy những cáo buộc về hành vi tham lam, “trục lợi” của các nhà băng.
Phát biểu trước quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết “đã mất quá nhiều thời gian” để những người gửi tiết kiệm cảm nhận được lợi ích của lãi suất chính thức cao, đặc biệt là đối với những người muốn tiếp cận tiền của họ một cách nhanh chóng (tức để tiền gửi ở dạng tài khoản tiết kiệm truy cập tức thì).
Ở châu Á, bức tranh ít đồng nhất hơn: Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản vào tháng trước, cộng với việc giảm các lãi suất khác gần đây và Nhật Bản đã giữ lãi suất chính ở mức âm nhằm kích thích nhu cầu. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chi phí đi vay đã tăng mạnh. Tuy nhiên, về cơ bản các lãi suất trên tài khoản tiết kiệm tại khu vực vẫn gần với lãi suất chính của NHTW hơn so với ở các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.
Dịch chuyển từ gửi tiết kiệm sang đầu tư
Các NHTW, với nhiệm vụ quan trọng được giao là hạ lạm phát từ mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, rất kỳ vọng với việc thắt chặt lãi suất chính sách sẽ khiến lãi suất tiết kiệm hấp dẫn hơn, từ đó khuyến khích người tiêu dùng gửi tiết kiệm nhiều hơn thay vì chi tiêu, và qua đó giúp giảm nhu cầu và kéo giá cả giảm xuống. Tuy nhiên, theo bà Sarah Coles, Trưởng bộ phận tài chính cá nhân tại công ty đầu tư Hargreaves Lansdown của Anh, bằng cách giữ tỷ lệ tiết kiệm thấp, các ngân hàng hiện có cơ hội “bù đắp thời gian đã mất”. Theo chuyên gia này, mặc dù lãi suất (tiền gửi) cực thấp, nhưng thị trường thế chấp lại cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ, vì vậy các ngân hàng đang hoạt động với tỷ suất lợi nhuận bất thường giữa lãi suất tiết kiệm và giao dịch thế chấp… cũng có nghĩa họ đang bận rộn “kiếm lợi” cho mình.
Trong khi đó, các giám đốc ngân hàng đã bác bỏ cáo buộc trục lợi, chỉ ra rằng lãi suất cao hơn được cung cấp trên các tài khoản tiết kiệm chỉ cho phép người tiết kiệm rút tiền sau một khoảng thời gian nhất định. Theo UK Finance, một tổ chức đại diện cho các ngân hàng và công ty tài chính tại Anh nói với hãng tin CNN trong một tuyên bố gần đây rằng, lãi suất tiết kiệm và lãi suất thế chấp không được liên kết trực tiếp, do đó biến động vào những thời điểm khác nhau và theo số lượng khác nhau. “Lãi suất tiết kiệm được thúc đẩy bởi một số yếu tố, không chỉ lãi suất chính sách của BoE. Một yếu tố quan trọng khác là nó còn phụ thuộc vào người gửi tiền muốn để tiền gửi ở dạng tài khoản tiết kiệm truy cập tức thời hay ở các tài khoản với kỳ hạn dài hơn”, tuyên bố của UK Finance cho biết.
Nhưng với những người gửi tiết kiệm, rõ ràng họ cảm thấy “hụt hẫng” và đang hướng đến các kênh sinh lời tốt hơn. Dữ liệu của FDIC cho thấy, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại ở Mỹ đã giảm 2,2% kể từ đầu năm đến nay. Tại khu vực đồng Euro, giá trị tiền gửi cũng đã giảm 1,2% trong khoảng thời gian đó. Đồng thời ở Mỹ, các quỹ thị trường tiền tệ - vốn đầu tư vào các chứng khoán có rủi ro thấp như trái phiếu chính phủ và mang lại lợi nhuận cao hơn đáng kể so với hầu hết các tài khoản tiết kiệm - đang thực hiện giao dịch rầm rộ. Theo dữ liệu được theo dõi bởi Crane Data, 100 quỹ thị trường tiền tệ hàng đầu của Mỹ đang đưa ra mức lãi suất trung bình hàng năm là 4,94%. Dòng tiền vào các quỹ này đã tăng hơn 13% trong năm nay, đưa tổng giá trị tài sản của họ lên mức cao nhất mọi thời đại là 5,9 tỷ USD vào đầu tháng 6, và Peter Crane, Chủ tịch của Crane Data dự báo dòng tiền này còn tăng trong thời gian tới.
Bên kia đại dương, các hộ gia đình ở Anh đã rút số tiền kỷ lục 4,6 tỷ bảng Anh (18,5 tỷ USD) từ các ngân hàng vào tháng 5. Đây là số tiền gửi bị rút lớn nhất kể từ khi BoE bắt đầu theo dõi dòng tiền rút ra hàng tháng vào năm 1997. Trong đó, số tiền rút từ tài khoản tiết kiệm truy cập tức thời đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 4. Thật khó để biết chính xác lý do tại sao người gửi tiền lại rút tiền ra nhiều hơn như vậy. Liệu họ có bị hoảng sợ bởi sự sụp đổ của ba nhà băng khu vực của Mỹ thời gian vừa qua, hay đơn giản là họ cần tiền mặt để thanh toán các hóa đơn ngày càng tăng. Peter Crane thì nhận định, nhiều người gửi tiền đang theo đuổi các kênh khác có thể mang lại lợi nhuận cao hơn.