Lãi suất tiết kiệm đã “chạm đáy”
Lãi suất tiết kiệm sẽ ổn định Gửi tiết kiệm online 6 tháng ở đâu nhận lãi suất cao? |
Sau thời gian giảm mạnh, gần đây một số ngân hàng đang bắt đầu tăng lãi suất huy động, ông có nhận định thế nào về động thái này?
Theo dõi trên thị trường có thể thấy, lãi suất huy động bắt đầu rục rịch tăng từ đầu tháng 3. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, số lượng các ngân hàng tăng lãi suất huy động nhiều hơn với mức tăng từ 0,1-0,3%/năm. Đặc biệt, không chỉ khối NHTMCP, một ngân hàng trong nhóm Big 4 là VietinBank cũng đã tăng lãi suất tiền gửi. Mặc dù mức tăng chưa lớn, nhưng đây rõ ràng là tín hiệu thể hiện rằng ngân hàng cũng bớt “thừa tiền”. Dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động cũng không còn nhiều vì mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua và là gần chạm đáy.
Mặt khác, theo số liệu của NHNN, kết thúc quý I/2024, tín dụng tăng trưởng khoảng 1% so với cuối năm 2023. Như vậy, sau hai tháng đầu năm tăng trưởng âm, tín dụng đạt mức tăng dương cho thấy nhu cầu vốn vay trong nền kinh tế đã hồi phục. Đáng nói là tình hình huy động vốn 3 tháng lại sụt giảm. Do đó, dù NHNN có hỗ trợ thanh khoản nhưng tín dụng cho vay tăng tốc mà vốn huy động khó khăn thì chắc chắn ngân hàng phải tăng lãi suất để huy động nếu không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay. Trong khi đó, áp lực từ lạm phát, tỷ giá đang tăng lên. Vì vậy, việc ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động cũng là điều dễ hiểu.
Việc tăng lãi suất huy động sẽ tác động ra sao đối với thị trường, thưa ông?
Lãi suất tiết kiệm tăng phần nào cũng sẽ giúp kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… ghi nhận sự phục hồi và dấu hiệu hút tiền trở lại cũng tạo áp lực cho ngân hàng phải tăng lãi suất để cạnh tranh về vốn. Với các ngân hàng, như tôi đã phân tích ở trên, khi nhu cầu tín dụng tăng lên, ngân hàng cần đẩy lãi suất huy động lên để hút tiền gửi.
Năm nay, NHNN cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, với mức tăng khoảng 15% toàn hệ thống. Chính vì vậy, các nhà băng cũng có những kế hoạch sớm trong huy động tiền gửi để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không đồng đều ở các nhà băng bởi còn do khả năng cạnh tranh của từng ngân hàng.
Theo tôi, mặt bằng chung của lãi suất huy động sẽ không tăng quá nhiều, ít nhất là trong vài tháng tới. Do chủ trương của Chính phủ, NHNN vẫn là duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn nên các nhà băng cũng phải tính toán lãi suất hợp lý.
Vậy các nhà băng cần làm gì khi lãi suất huy động không được tăng mạnh, nhưng vẫn có thể thu hút được tiền gửi của người dân?
Theo số liệu thống kê của NHNN, tính tới nay, huy động vốn của toàn hệ thống đạt 13,73 triệu tỷ đồng. Tuy có giảm so với cuối năm 2023 nhưng đây vẫn là một con số lớn, cho thấy tiết kiệm luôn là bến đỗ an toàn được nhiều người dân lựa chọn kể cả trong bối cảnh lãi suất không quá hấp dẫn. Năm nay, tình hình kinh tế trong nước cũng đã khởi sắc hơn nhưng bối cảnh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, căng thẳng địa chính trị, một số thị trường lớn của Việt Nam vẫn chưa phục hồi… sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế, trong đó các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán... Chính vì vậy, với các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro không cao, không có am hiểu sâu về các kênh đầu tư khác thì tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là nơi được nhiều người “chọn mặt gửi vàng”.
Tuy nhiên, cũng không vì vậy mà các nhà băng chủ quan. Khi không thể tăng cao lãi suất huy động, ngân hàng phải cạnh tranh thu hút tiền gửi bằng dịch vụ an toàn, tiện lợi, tối ưu hoá trải nghiệm của khách hàng, cá nhân hoá theo từng nhóm khách hàng; Tích cực áp dụng các công nghệ hiện đại vào số hoá sản phẩm, dịch vụ, đa dạng các sản phẩm tiền gửi một cách linh hoạt, tích hợp thêm nhiều dịch vụ khác đi kèm, có như vậy mới giữ chân được dòng tiền ở lại với ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!