![]() |
Lãi suất chịu nhiều áp lực |
![]() |
Fed có thể chỉ tăng tiếp lãi suất 25 điểm |
![]() |
Thắt chặt mạnh chưa từng có
Kinh tế toàn cầu đã phải đối mặt với lạm phát tăng cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ trong năm 2022 khi giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và nhà ở tăng vọt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này: nhu cầu toàn cầu phục hồi nhanh chóng sau dịch Covid-19, trong khi hoạt động sản xuất chưa theo kịp; chuỗi cung ứng bị gián đoạn; các NHTW đã bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế trong giai đoạn đại dịch… Ngọn lửa lạm phát càng bùng phát mạnh mẽ và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đẩy giá năng lượng, thực phẩm tăng cao.
Áp lực lạm phát buộc các NHTW trên toàn thế giới phải nhanh chóng đảo chiều chính sách từ nới lỏng sang thắt chặt, tăng nhanh lãi suất để ứng phó. Theo đó, chỉ tính riêng 10 nền kinh tế phát triển, lãi suất đã tăng tổng cộng tới 2.740 điểm cơ bản. Trong số này chỉ có duy nhất NHTW Nhật Bản đến nay là vẫn duy trì chính sách lãi suất âm.
NHTW Anh là NHTW lớn đầu tiên trên thế giới khởi động chu kỳ thắt chặt tiền tệ để ứng phó với lạm phát khi thực hiện lần tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 12/2021. Tính chung đến nay NHTW Anh đã tăng lãi suất tổng cộng 325 điểm cơ bản, đưa lãi suất lên 3,5% - mức cao nhất kể từ năm 2008.
Xuất phát muộn hơn một chút, song Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là một trong những NHTW lớn tăng lãi suất quyết liệt nhất trong chu kỳ thắt chặt lần này. Tính chung trong năm qua Fed đã thực hiện 7 lần tăng lãi suất với mức tăng tổng cộng tới 425 điểm cơ bản, trong đó có 4 lần tăng lãi suất ở mức kỷ lục 75 điểm. Hiện phạm vi lãi suất cho vay qua đêm của Fed đã được nâng lên 4,25% - 4,5%, mức cao nhất trong 15 năm qua.
Tuy nhiên kỷ lục trong một lần tăng lãi suất hiện đang thuộc về NHTW Canada khi cơ quan này đã tăng lãi suất tới 100 điểm tại cuộc họp chính sách tháng 7. Trong năm qua NHTW Canada cũng đã tăng lãi suất 7 lần, đưa lãi suất lên 4,25%, mức cao nhất trong 15 năm.
Ngay cả NHTW Châu Âu (ECB), dù đã cố gắng trì hoãn chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế khu vực phục hồi sau dịch, cuối cùng cũng phải gia nhập làn sóng tăng lãi suất do sức ép của lạm phát và sự mạnh lên của đồng USD. Theo đó phải tới tận tháng 7 ECB mới quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm, song tốc độ tăng lãi suất của cơ quan này cũng rất mạnh. Tính chung trong năm qua, ECB đã tăng lãi suất tổng cộng 250 điểm cơ bản sau 4 lần tăng, trong đó có hai lần tăng tới 75 điểm cơ bản.
Tương tự trong năm qua các NHTW tại các nền kinh tế phát triển khác như: Úc, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ... cũng nhiều lần tăng lãi suất với biên độ lớn. Với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, làn sóng tăng lãi suất cũng diễn ra mạnh mẽ, một phần do áp lực lạm phát, một phần cũng nhằm hỗ trợ đồng nội tệ không bị mất giá quá nhiều trước sức mạnh của đồng USD bởi sự mất giá của đồng nội tệ sẽ làm tăng rủi ro nhập khẩu lạm phát.
Làn sóng còn tiếp diễn
Mặc dù lạm phát đã có dấu hiệu dịu bớt và các NHTW, đặc biệt là Fed, đã chậm lại tốc độ tăng lãi suất trong tháng cuối cùng của năm 2022, tuy nhiên nhiều dự báo cho thấy, làn sóng thắt chặt tiền tệ vẫn sẽ tiếp diễn cho tới ít nhất là giữa năm 2023. Ngay cả khi ngừng tăng lãi suất thì các NHTW cũng sẽ duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ cho đến khi lạm phát quay trở về mức mục tiêu.
Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra, trừ khi tình trạng gián đoạn nguồn cung và áp lực thị trường lao động giảm bớt, nếu không những đợt tăng lãi suất có thể khiến tỷ lệ lạm phát cơ bản toàn cầu (không bao gồm giá năng lượng) ở mức khoảng 5% vào năm 2023, gần gấp đôi mức trung bình 5 năm trước đại dịch. Hệ quả là các NHTW có thể cần tăng lãi suất thêm nữa.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 10/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo, tỷ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,1% vào năm 2024. Để kiềm chế sức ép lạm phát, theo IMF, các NHTW cần hành động quyết liệt để chỉ số này đi xuống.
Trong các phát biểu mới đây, nhiều nhà lãnh đạo NHTW trên toàn thế giới cũng tỏ rõ quyết tâm trong cuộc chiến chống lạm phát.
Chẳng hạn như Chủ tịch Fed Jerome Powell, phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách cuối năm 2022, dù dữ liệu lạm phát nhận được đến nay cho thấy tốc độ tăng giá đã giảm, nhưng cần nhiều bằng chứng hơn nữa để đảm bảo rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững. Điều đó có nghĩa Fed sẽ còn tăng tiếp lãi suất, cho dù theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, Fed có thể sẽ không nhất thiết phải làm điều này sau mỗi cuộc họp chính sách trong năm tới. Đồ thị điểm (Dot Plot) mới nhất của Fed cũng cho thấy, có tới 17 trong số 19 nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến lãi suất sẽ ở mức trên 5% vào năm 2023, trong khi chỉ có 2 dự đoán sẽ dưới 5%.
Tương tự, trong phát biểu mới đây, Chủ tịch ECB Chritine Lagarde cũng khẳng định, ECB sẽ còn tăng tiếp lãi suất ngay cả khi nguy cơ nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái gia tăng. “Nhiệm vụ của ECB là ổn định giá cả và ngân hàng sẽ sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để hoàn thành nhiệm vụ này”, bà nói.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 12/2022 của NHTW Anh cũng nhận định, thị trường lao động vẫn thắt chặt và đã có bằng chứng về áp lực lạm phát đối với giá cả và tiền lương trong nước có thể cho thấy sự dai dẳng hơn và điều đó “biện minh cho một phản ứng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa”. Karen Watf - Chiến lược gia thị trường khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi của Công ty Quản lý tài sản JP Morgan cũng cho rằng, “còn quá sớm để NHTW Anh tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. NHTW Anh có thể điều tiết nhịp độ và tốc độ tăng lãi suất, nhưng tôi tin rằng chúng ta còn cách ít nhất 100 điểm cơ bản so với mức đỉnh”.
Ngay cả NHTW Nhật Bản (BoJ) mới đây cũng đã điều chỉnh chính sách khi cho phép lãi suất dài hạn có thể tăng cao hơn với việc nới biên độ dao động của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên 0,5% từ mức 0,25%. Mặc dù Thống đốc NHTW Nhật Haruhiko Kuroda khẳng định, sự điều chỉnh trên “không phải là tăng lãi suất”, thế nhưng các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng, NHTW Nhật sẽ sớm thay đổi lập trường chính sách nới lỏng của mình.
Cựu Phó Thống đốc BoJ Hirohide Yamaguchi - người được coi là ứng cử viên kế nhiệm ông Kuroda cũng nói với Reuters rằng, NHTW phải sẵn sàng nâng mục tiêu lợi suất nếu nền kinh tế có thể chịu được rủi ro từ nước ngoài. “Có khả năng lạm phát tiêu dùng cốt lõi có thể duy trì ở mức 3-4% trong một thời gian khá dài”, Yamaguchi nói. "Một khi kỳ vọng lạm phát trở nên dai dẳng, các NHTW sẽ rất khó kiểm soát chúng. Đó là rủi ro mà BoJ nên lưu tâm”.
Lẽ đương nhiên, khi các nền kinh tế phát triển tăng lãi suất, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng phải làm theo nếu không muốn đồng nội tệ rớt giá và dòng vốn nước ngoài tháo chạy. “Cuối cùng, chúng ta đang sống trong bối cảnh chính sách tiền tệ toàn cầu chặt chẽ hơn nhiều, vì vậy chắc chắn các NHTW nói chung phải tăng lãi suất”, nhà kinh tế Wellian Wiranto của OCBC cho biết.
Hoàng Nguyên
Nguồn: