Lãnh đạo ngân hàng nỗ lực tăng thanh khoản cổ phiếu
Đơn cử, HDBank (mã chứng khoán: HDB) mới đây công bố, ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Đào Duy Tường, Trưởng ban Kiểm soát ngân hàng này đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HDB. Mục đích giao dịch cổ phiếu của hai lãnh đạo ngân hàng được lý giải là nhằm đầu tư dài hạn. Các giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận dự kiến kết thúc vào ngày 14/12/2022.
Trước đó, đầu tháng 11/2022, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank đã hoàn tất mua 659.700 cổ phiếu HDB và nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên 1,9 triệu đơn vị sau hai đợt mua vào trong năm nay.
Cổ phiếu HDB gần đây giao dịch ở mức hơn 14.800 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức P/B 1,1 lần và P/E 4,9 lần. Cổ phiếu HDB đã giảm gần 30% trong ba tháng gầy đây, nếu so với đầu năm 2022 thị giá cổ phiếu này giảm hơn 40%.
Mặc dù vậy, báo cáo tài chính 9 tháng năm 2022, của ngân hàng công bố hiệu quả kinh doanh có tốc độ tăng trưởng cao, nợ xấu chỉ 1,1%; doanh thu bán chéo bảo hiểm của ngân hàng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ... Dự kiến lợi nhuận năm nay mảng dịch vụ sẽ tiếp tục đóng góp một phần quan trọng trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng.
VIB cũng công bố ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc kiêm giám đốc ban dịch vụ tài chính ngân hàng đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu VIB nhằm đầu tư tài chính dài hạn. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận đến hết ngày 17/12/2022.
Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc kiêm giám đốc khối dịch vụ công nghệ ngân hàng này cũng đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu.
Cùng nằm trong xu hướng giảm, giá cổ phiếu VIB trong tuần qua có thời điểm giao dịch ở mức 18.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù cổ phiếu ngân hàng này cũng có một số phiên tăng điểm tích cực nhưng, so với thời điểm 3 tháng trước giá đã giảm hơn 30%, còn so với đầu năm giá cổ phiếu này đã giảm 49%.
Một trường hợp khác là VPBank cũng đã lên kế hoạch dự kiến xin ý kiến cổ đông mua cổ phiếu quỹ vào cuối tháng này để gia tăng lợi ích của nhà đầu tư trong dài hạn. Ngân hàng này tự tin với quy mô lớn hoạt động kinh doanh được mở rộng sẽ làm tăng lợi ích cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cổ đông tổ chức SBI Ven Holdings của TPBank cũng đang tranh thủ mua gom cổ phiếu TPB khi thị giá đã giảm hơn 50% so với đầu năm.
Cùng trong xu hướng giảm của thị trường, cổ phiếu ngành Ngân hàng từ đầu năm đến nay giảm từ 40-50%. Theo thống kê của WiGroup, khoảng 50% các ngân hàng đang được niêm yết có mức định giá P/B nhỏ hơn 1, chủ yếu là các ngân hàng nhỏ. Giá trị cổ phiếu so với giá trị sổ sách của nhóm ngân hàng thấp hơn so với bình quân 10 năm trước khoảng 1,8 lần.
Các nhà đầu tư am hiểu thị trường nhìn nhận: Mua cổ phiếu ngân hàng là đầu tư dài hạn, là mảnh đất của những nhà đầu tư lớn, đường trường, không phải sân chơi của các cá nhân nhỏ lẻ "lướt sóng".
Đánh giá về hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời gian tới, nhiều công ty chứng khoán nhận định: ngân hàng sẽ gặp khó khăn hơn về biên lợi nhuận khi lãi suất đầu vào tăng, trong khi lãi suất đầu ra khó tăng tương ứng.
Trong khi đó, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm như hiện nay sẽ tiếp tục tạo thêm áp lực cho các ngân hàng trong cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Trong báo cáo mới đây, Dragon Capital đánh giá: cơ sở dữ liệu 9 tháng năm 2022 cho thấy lợi nhuận sau thuế ngành Ngân hàng tăng 52% so với cùng kỳ năm trước (do nền năm trước tăng thấp), nhưng xét cụ thể thì lợi nhuận ngân hàng quý III năm nay giảm 4,1% so với quý liền kề. Quỹ đầu tư này cũng nhận xét, lợi nhuận ngân hàng năm 2023 sẽ khá khiêm tốn và không còn như giai đoạn trước.
Tuy nhiên, một số quan điểm khác lại cho rằng hiệu quả kinh doanh ngân hàng sẽ phân mảnh theo từng nhóm khác nhau, tùy thuộc vào khả năng quản trị, chiến lược phát triển cũng như uy tín, thương hiệu của mỗi ngân hàng.