Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam: Đầu mối tin cậy của các nhà đầu tư
Chủ tịch lâm thời FAIP, TS. Phan Hữu Thắng (nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài) cho biết, mục đích hoạt động của Liên chi hội nhằm kết nối các tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh tế, tài chính khu công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam; đồng thời định hướng huy động vốn đầu tư, kinh doanh trong khu công nghiệp (KCN) một cách chuyên nghiệp, có chuẩn mực, đạo đức phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam.
Việc phát triển các KCN là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, các KCN đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô diện tích và vốn đầu tư trên phạm vi cả nước, cùng với đó là những đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, từng vùng.
Hiện nay trên cả nước đã thành lập 414 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên 128.688 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 89.126 ha. Trong đó 121 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản có tổng diện tích tự nhiên 39.517 ha.
Có 293 KCN đã đi vào hoạt động thu hút đầu tư, với tổng diện tích đất tự nhiên 89.171 ha (diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63.116 ha). Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của 293 KCN đang hoạt động là 46.551 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 74%.
Các KCN đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Samsung, Sumitomo, Foxconn, LG, Hyosung, Canon, Robert Bosch… Nhiều sản phẩm sản xuất trong KCN được xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới.
Chủ tịch lâm thời FAIP, TS. Phan Hữu Thắng cho biết, FAIP là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, các doanh nghiệp hoạt động trong KCN và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến KCN. Liên chi hội là đầu mối tin cậy của các nhà đầu tư, các đối tác nhằm kết nối cung - cầu về đầu tư, tài chính cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động trong KCN.
Chia sẻ về những hoạt động đầu tiên của FAIP, TS. Phan Hữu Thắng cho biết, FAIP đang triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ thị trường và các hội viên Liên chi hội phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh một cách hiệu quả; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xử lý các vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, thuế, hải quan của các doanh nghiệp KCN ở Việt Nam.
FAIP tham mưu cho Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng như các hoạt động khác liên quan đến kinh tế, tài chính KCN nhằm góp phần thúc thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển các KCN, khu kinh tế của Việt Nam theo đúng định hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Ngày 16/1/2024 tới đây, FAIP sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề “Thực trạng các KCN hiện nay và các giải pháp tài chính”. Ban tổ chức hội thảo cho biết, dự kiến sẽ có gần 100 đại biểu đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư KCN và quỹ đầu tư sẽ cùng thảo luận về thực trạng các KCN và cụm công nghiệp hiện nay, việc phát triển các KCN và các vấn đề tài chính cần lưu ý và điều kiện hỗ trợ cho vay tài chính đối với các dự án tại Việt Nam…
Những năm gần đây, trung bình hàng năm vốn FDI trong khu kinh tế, KCN chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu kinh tế, KCN chiếm 70 - 80%. Khu kinh tế, KCN cũng ngày càng là kênh quan trọng để thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước. Theo đó, cơ cấu vốn đầu tư trong nước - nước ngoài trong khu kinh tế, KCN có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao tỷ trọng vốn đầu tư trong nước.
Các KCN đã góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn. Việc phát triển KCN trên địa bàn cả nước góp phần hình thành nhiều khu đô thị, dịch vụ mới và hệ thống giao thông kết nối, tạo diện mạo mới cho địa phương; từng bước tác động tới quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển.
Khu kinh tế, KCN đã góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, sự hình thành và phát triển các khu kinh tế, KCN ở Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng.