Livestream bán hàng: Tiềm năng và thách thức
Thương mại điện tử Việt Nam có tiềm năng nổi trội trong ASEAN | |
Công cụ để “thanh lọc” sàn thương mại điện tử | |
Đề xuất về quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử |
Livestream đã trở thành một nghề
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế thời trang nhưng vẫn chưa tìm được việc làm, bạn Nguyễn Thúy Quỳnh (Long Biên, Hà Nội) gắn bó với công việc livestream thuê cho các shop thời trang đã được gần hai năm nay. Theo Quỳnh, mỗi ngày livestream từ 6 - 8 tiếng đem đến thu nhập lên tới cả triệu đồng. Nhờ công việc này, Quỳnh đã có nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng.
“Các shop sẽ book lịch livestream vào trưa và tối khi có lượng người xem đông. Mỗi lần phát trực tiếp, mình sẽ giới thiệu những mẫu mới, chương trình giảm giá, ưu đãi đang chạy của cửa hàng. Tùy theo yêu cầu của khách, mình có thể tổ chức mini game nhỏ dành cho khách xem”, Quỳnh chia sẻ.
Bán hàng thông qua phát trực tiếp ngày càng trở nên phổ biến. Ảnh chụp màn hình |
Không chỉ riêng Quỳnh, livestream đã thực sự trở thành một nghề và được nhiều người theo đuổi. Minh chứng là những khóa học dành cho công việc này đã ra đời và thu hút số lượng lớn học viên. Theo chủ một lớp học, phần lớn người học tìm đến đều đang kinh doanh online, muốn có thêm kiến thức và kỹ năng về livestream để phục vụ cho công việc bán hàng của mình.
Bên cạnh đó, các dịch vụ cho thuê địa điểm và công cụ livestream cũng trở nên nhộn nhịp. Theo chủ một số studio, giá thuê địa điểm để quay livestream trong 1 tiếng là 200 nghìn đồng, giá thuê làm video cho các shop từ 800 nghìn đồng - 3 triệu đồng. Dịch vụ này ngày càng trở nên hút khách và thực sự bùng nổ trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang có tiềm năng to lớn trong việc phát triển bán hàng online khi nằm trong số quốc gia có số người sử dụng internet cao nhất thế giới, với tỷ lệ trên 65% vào năm 2020 trong khi trung bình của thế giới chỉ là hơn 51%. Số người dùng internet tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng lên gần 68 triệu người vào năm 2021, chủ yếu thông qua điện thoại thông minh và máy vi tính.
Kết quả khảo sát của Bộ Công thương mới đây cũng cho thấy, mạng xã hội tiếp tục là kênh tiếp thị phổ biến nhất của các DN. Đồng thời, tỷ lệ DN đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45%, trong khi tỷ lệ này đối với bán hàng qua website là 32% và qua ứng dụng di động là 22%.
Những con số trên đã minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của mạng xã hội. Các chuyên gia nhận định, mạng xã hội đang trở thành một mảnh đất đầy tiềm năng để phát triển bán hàng online và livestream chính là “gà đẻ trứng vàng” trên mảnh đất đó.
Từ những mặt hàng bình dân như quần áo, hoa quả, đồ dùng trong gia đình, đồ ăn… đến những sản phẩm xa xỉ như đồng hồ, đồ nội thất… cũng đang được bán rầm rộ qua phương thức phát trực tiếp. Không phải ngẫu nhiên mà livestream là hình thức bán hàng được nhiều người lựa chọn, hiệu quả của nó đã được chứng minh.
Chủ một nhãn hiệu thời trang dành cho giới trẻ trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhờ phát triển bán hàng thông qua phát trực tiếp được 2 năm nay mà đơn vị này đã mở liên tiếp hàng loạt cửa hàng mới ở một số tỉnh, thành phố. Được biết, doanh số bán hàng thông qua một lần livestream có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Thách thức hiện hữu
Không thể phủ nhận hiệu quả tích cực mà hình thức bán hàng trực tiếp mang lại. Tuy nhiên, song hành với tiềm năng là nhiều thách thức dành cho cả người mua và người bán.
Mới đây, đội Cảnh sát kinh tế công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) sau khi bất ngờ kiểm tra một cơ sở kinh doanh đã phát hiện bên trong kho xưởng rộng khoảng 600m2 có 20 người đang bán hàng bằng hình thức livestream qua mạng xã hội Facebook. Kiểm tra bên trong kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục ngàn sản phẩm “thương hiệu” gồm mỹ phẩm, dược phẩm, quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính… Tổng trị giá ước tính hàng tỷ đồng. Làm việc với công an, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên.
Đây chỉ là một trong vô vàn trường hợp bán hàng nhập lậu và hàng “fake” thông qua livestream bị phát hiện. Chỉ cần dạo một vòng trên mạng xã hội như Facebook, Tik Tok… có thể bắt gặp hàng loạt thương hiệu nổi tiếng, xa xỉ đang được rao bán với mức giá “bèo”.
Với những lời quảng cáo hoa mĩ, chiêu trò khuyến mãi cực khủng, nhiều người dùng không phân biệt được hàng giả, hàng thật đã đặt mua và sau đó nhận được hàng không ưng ý nhưng cũng không biết kêu ai.
Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất đối với việc kinh doanh qua livestream đó chính là chiếm được lòng tin của người mua. Quá nhiều vụ việc bán hàng giả, hàng nhái bị phanh phui đã khiến người dùng cảnh giác hơn, nhiều người mất lòng tin đối với hình thức mua bán qua mạng xã hội. Điều này gây ra khó khăn đối với các đơn vị bán hàng uy tín.
Đối mặt với thách thức này, bên cạnh cập nhật các sản phẩm mới, các cửa hàng cũng cần gia tăng chăm sóc khách hàng, nhanh chóng giải quyết khiếu nại nếu có của khách.
Bên cạnh đó, với người dùng cũng cần tự bảo vệ chính mình khi mua bán thông qua mạng xã hội. “Khách hàng nên chọn những cửa hàng được đánh giá tốt, có sản phẩm chứng minh được nguồn gốc rõ ràng. Không nên theo tâm lý đám đông để tiếp tay cho những hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, một chuyên gia chia sẻ.