Công cụ để “thanh lọc” sàn thương mại điện tử
Đề xuất về quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử | |
Thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2021 | |
Để xâm nhập thị trường thương mại điện tử Hoa Kỳ |
Theo số liệu thống kê từ Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số, Bộ Công thương, năm 2020 Việt Nam có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Doanh thu TMĐT Việt Nam tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Quy mô thị trường được dự báo có thể sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025. Tuy nhiên, dự báo cũng cho thấy khoảng 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Điều này đòi hỏi cần có những chế tài mạnh mẽ hơn để có thể ngăn chặn tình trạng lừa đảo, củng cố niềm tin của người tiêu dùng khi mua sắm qua sàn TMĐT.
Ảnh minh họa |
Để thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục TMĐT và Kinh tế số tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các nhóm giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong TMĐT. Đồng thời, thúc đẩy các DN tham gia thị trường TMĐT cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững.
Bên cạnh việc có nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về quản lý sàn TMĐT, Bộ Công thương cho biết sẽ xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT, từ đó hoàn thiện nền tảng tín nhiệm TMĐT. Mục tiêu trong 5 năm tới, giải pháp “Nền tảng tín nhiệm TMĐT” sẽ là công cụ đánh giá các chủ thể kinh doanh TMĐT. Xếp hạng tín nhiệm này sẽ công bố rộng rãi tới người tiêu dùng.
Trước giải pháp xếp hạng tín nhiệm được Bộ Công thương đưa ra, nhiều chuyên gia cho rằng đây là hướng đi đúng đắn, sẽ là trợ lực mạnh mẽ để phát triển các sàn theo hướng kinh doanh minh bạch, an toàn.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp khách hàng có thêm một kênh thông tin chính xác để có thể lựa chọn khi mua sắm trên sàn TMĐT. Đồng thời cũng khiến các sàn tự ý thức được việc nâng cao chất lượng phục vụ, quản lý hàng hóa bán trên sàn một cách tốt hơn, tình trạng chậm giải quyết khiếu nại của người dùng về hàng hóa cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn.
Đặc biệt, việc không được đồng kiểm hàng hóa khi mua qua sàn TMĐT cũng là nguyên nhân khiến nhiều khách hàng e dè khi quyết định mua sắm online. Chính vì vậy, công cụ này sẽ giúp niềm tin của người dùng được củng cố.
Là “tín đồ” mua sắm online qua mạng, chị Hoàng Bích Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây, nếu mua một món đồ nào đó, người dùng chỉ có thể đi tìm đọc phản hồi của người mua về sản phẩm ở cuối bài đăng để quyết định có mua hay không. Ngoài ra, sàn TMĐT cũng có công cụ đánh giá các shop bán trên sàn của mình. Tuy nhiên, các shop vẫn có thể sử dụng các “mánh khóe” để qua mắt khách hàng như sử dụng lượng tương tác ảo, thuê người quảng cáo tốt về sản phẩm…
“Việc có xếp hạng tín nhiệm một cách công khai đối với các sàn sẽ giúp người dùng có lựa chọn chính xác hơn, quyền lợi của người tiêu dùng được nâng cao. Từ đó, người dùng sẽ có niềm tin hơn khi mua sắm, thanh toán online trên các sàn TMĐT”, chị Ngọc chia sẻ.
Ngoài công cụ xếp hạng tín nhiệm, sắp tới, việc quản lý hoạt động TMĐT được kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi tích cực khi có Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về quản lý sàn TMĐT. Theo đó, nổi bật một số điểm như sẽ tăng trách nhiệm của các chủ sàn trong việc kiểm soát, sàng lọc, xét duyệt thông tin hàng hóa, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của chủ thể này với những giao dịch được tiến hành trên hạ tầng của mình.
Việc quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài cũng là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Theo đó, dựa trên thực tiễn triển khai trong thời gian vừa qua, nhiều sàn có tỷ lệ người bán hàng nước ngoài nhiều nhưng việc kiểm soát những đối tượng này với người bán tại Việt Nam chưa tương đồng. Vì thế, dự thảo bổ sung thêm quy định cụ thể về thương nhân, tổ chức nước ngoài có website hoạt động TMĐT tại Việt Nam.
Bên cạnh nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý và công cụ xếp hạng tín nhiệm, Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, từ năm 2021 Cục sẽ triển khai Chương trình GoOnline - với nhiệm vụ đồng hành cùng DN trong quá trình ứng dụng TMĐT từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến.
Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống TMĐT lớn nhất đất nước hiện nay, nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, DN, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng TMĐT. Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, hàng hóa cần “giải cứu”, chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ.