Lợi nhuận doanh nghiệp điện tử thấp do chủ yếu tham gia ở khâu lắp ráp
Doanh nghiệp điện tử Việt Nam: Thách thức về đầu tư công nghệ Doanh nghiệp điện tử Việt Nam chật vật Cơ hội để doanh nghiệp điện tử tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu |
Hiện điện thoại di động sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng sản xuất của Samsung trên toàn cầu. |
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2024, trong Top 4 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, xuất khẩu nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27,01 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhóm điện thoại các loại và linh kiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng trên 11% so với cùng kỳ.
Thống kê cho thấy, chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam đã hình thành với sự dẫn dắt của các tập đoàn hàng đầu thế giới. Trong đó, Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với 4 nhà máy lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. Hồ Chí Minh, với tổng vốn đầu tư khoảng 22,4 tỷ USD. Hiện điện thoại di động sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng sản xuất của Samsung trên toàn cầu. Tiếp đó là các dự án tỷ USD của LG, Intel.
Việt Nam được đánh giá khá thành công trong quá trình thu hút FDI, từ đó hình thành chuỗi cung ứng ngành điện tử với lợi thế nguồn cung lao động giá rẻ dồi dào. Việt Nam được đánh giá sẽ được hưởng lợi từ sự cạnh tranh gay gắt của Mỹ và Trung Quốc và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang các thị trường tiềm năng đang được đẩy nhanh. Theo Nikkei Asia, trong danh sách nhà cung cấp hàng đầu của Apple, 37% nhà cung cấp của họ tại Việt Nam là các công ty Trung Quốc.
Theo ông Ko Tae Yeon - Tổng giám đốc Heesung Electronics Việt Nam, trong thời gian tới nhiều doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty sẽ có nhiều cơ hội ở đây và Electronics vẫn đang cố gắng mở rộng và nắm bắt cơ hội.
“Chúng tôi vẫn đang trong quá trình đàm phán, nhưng có điều chắc chắn rằng, trong thời gian tới nhiều doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ có nhiều cơ hội ở đây và công ty chúng tôi vẫn đang cố gắng mở rộng và nắm bắt cơ hội này. Trong ngắn hạn, chúng tôi có thể cam kết rằng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất ở Hải Phòng”, ông Ko Tae Yeon chia sẻ.
Thống kê cho thấy, ngành điện tử 10 năm liên tiếp đứng đầu kim ngạch xuất khẩu, chiếm tỷ trọng trên 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Quý I/2024, xuất khẩu điện tử đạt 30,5 tỷ USD, xuất siêu 4,2 tỉ USD, đóng góp lớn vào thặng dư ngoại tệ cho đất nước.
Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 2 về nước xuất khẩu điện thoại không dây, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu máy tính. Con số ấn tượng, tự hào, nhiều quốc gia phải ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành - Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn ở đáy "đường cong nụ cười" trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam, những phân khúc đem lại giá trị gia tăng cao như R&D, thiết kế, phân phối..., nhưng doanh nghiệp Việt chưa tham gia được. Doanh nghiệp Việt chủ yếu tham gia ở phân khúc lắp ráp nên giá trị gia tăng còn thấp.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Việt Nam hưởng lợi bởi sự cạnh tranh gay gắt công nghệ Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, sự chuyển dịch của nhà đầu tư sang Việt Nam là xu hướng, song lợi thế nắm bắt được hay không tùy thuộc vào doanh nghiệp.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần cần bắt tay hợp tác với nhau để tìm kiếm cơ hội về đơn hàng, nỗ lực chuyển đổi xanh để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.