M&A Fintech sẽ sôi động
Ngân hàng - Fintech: Hợp tác để gia tăng giá trị | |
Fintech Việt nhộn nhịp đón vốn | |
Vốn đầu tư vào fintech ASEAN đạt kỷ lục hơn 3,5 tỷ USD |
Tiềm năng hút vốn ngoại
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2015, số lượng Fintech Việt trên thị trường ngày càng “nở rộ”, đặc biệt trong hai năm gần đây. Theo thống kê của McKinsey, mức độ sử dụng Fintech và ví điện tử tại Việt Nam đã tăng từ 16% năm 2017 lên 56% vào năm 2021 - tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đại dịch Covid-19 diễn ra trong hai năm gần đây tuy gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, nhưng lại là một trong những chất xúc tác thay đổi thói quen thanh toán của người dân và tạo lực đẩy cho sự phát triển mạnh của các công ty Fintech. Thống kê sơ bộ cho thấy, 60-70% người dân Đông Nam Á giảm mức sử dụng tiền mặt vì lý do an toàn, hạn chế tiếp xúc (theo MasterCard).
Mức độ sử dụng Fintech và ví điện tử tại Việt Nam tăng từ 16% (2017) lên 56% (2021) |
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch MoMo cũng cho rằng, các vấn đề phát sinh do dịch bệnh đã khiến các tổ chức tài chính mong muốn tiếp cận khách hàng qua kênh điện tử nhiều hơn, bức thiết hơn, vì thế các ngân hàng, đặc biệt là các công ty Fintech đều rất chủ động để tạo ra nhiều dịch vụ, sản phẩm mới, thông minh hơn, thuận tiện hơn nhằm thúc đẩy khách hàng gia tăng trải nghiệm các dịch vụ tài chính hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Nỗ lực vươn lên của các công ty Fintech, cộng thêm tiềm năng thị trường này còn rất màu mỡ tại Việt Nam đã tạo ra được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2021 thị trường chứng kiến không ít thương vụ nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các công ty Fintech. Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á (sau Indonesia, Singapore) về thu hút vốn đầu tư vào Fintech, chiếm 11% tổng số vốn của khu vực, đạt khoảng 4 tỷ USD - gấp ba lần so với năm 2020...
Cùng với VNG và VNPay, MoMo đã trở thành doanh nghiệp “kỳ lân” công nghệ thứ ba tại Việt Nam, được định giá trên 2 tỷ USD khi vào cuối tháng 12/2021, doanh nghiệp này xác nhận hoàn thành vòng gọi vốn thứ năm (series E) và nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu. Trong đó riêng Mizuho Bank đã chi 20 tỷ JPY (tương đương 170 triệu USD) mua 7,5% cổ phần của M_service (công ty sở hữu MoMo).
Trong tháng 7/2021, VNLife (công ty mẹ của VNPay) cũng huy động được 250 triệu USD trong vòng series B.
Cũng trong năm 2021 rất nhiều Fintech khác đã thu hút được vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử như Startup Gimo (nền tảng ứng lương cho người lao động Việt Nam) gọi vốn thành công 1,9 triệu USD tại vòng gọi vốn do quỹ Integra Partners của Singapore dẫn dắt. Bên cạnh đó, thương vụ này còn góp mặt các nhà đầu tư là Resolution Ventures, Blauwpark Partners và TNB Aura VN Scout. Trước đó, tháng 8/2021 Taiwan Mobile đầu tư 20 triệu USD vào Tiki Global; nền tảng đầu tư tài chính Infina nhận hai triệu USD đầu tư từ Saison Capital (Nhật Bản) và Venturra Discovery (Indonesia)…
Cạnh tranh sẽ gay gắt
Giới chuyên gia cho rằng, Fintech Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu phát triển nên tất yếu sẽ chứng kiến số lượng các doanh nghiệp công nghệ góp mặt ngày một nhiều thêm. Tuy vậy, việc hút dòng vốn từ các đối tác ngoại cũng sẽ khiến thị trường Fintech có sự phân hoá thời gian tới, thậm chí là xuất hiện thêm các thương vụ M&A Fintech. Sự sàng lọc là tất yếu, bởi Fintech nào có tiềm lực tài chính mạnh, độ bảo phủ lượng khách hàng lớn, hệ sinh thái phong phú sẽ có lợi thế chiếm lĩnh thị trường.
PwC Việt Nam nhìn nhận, MoMo, ZaloPay, Moca là ba ví điện tử dẫn đầu thị trường hiện nay đã chiếm tới hơn 90% thị phần. Điều này đồng nghĩa là miếng bánh không thật sự còn quá lớn cho những doanh nghiệp khác, nếu không có lợi thế khác biệt. Tổ chức này cũng dự báo, nhu cầu giành lợi thế cạnh tranh trong tương lai có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường. Vậy nên, việc hợp nhất một số doanh nghiệp Fintech hoàn toàn có cơ sở xảy ra.
Chung quan điểm, ThS. Phan Thu Trang – Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ thêm, tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, các NHTW cũng như các nhà lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực Fintech đã đề xuất và xây dựng các hệ thống khung thể chế thí điểm (sandbox), từ đó hướng tới khung pháp lý hoàn thiện hơn nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của Fintech.
Với cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực Fintech cũng như các dịch vụ truyền thống, việc kết hợp Fintech - ngân hàng đã trở nên phổ biến hơn để đạt được mối quan hệ win-win nhằm đảm bảo gia tăng tiện ích cho khách hàng, giảm thiểu sự cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển đa chiều trong lương lai. Bên cạnh đó, các công ty Fintech cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các nhà khai thác mạng di động. Chính vì thế, xu hướng M&A hoặc gia tăng hợp tác, kết hợp đa ngành là giải pháp có thể được cân nhắc trong thời gian tới để duy trì vị thế cạnh tranh cho các công ty Fintech.
Nhìn rộng hơn, để thị trường Fintech Việt Nam thời gian tới thật sự có bước phát triển vượt trội và vững mạnh hơn, câu chuyện hành lang pháp lý trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (regulatory sandbox) kỳ vọng sẽ giúp lĩnh vực này có cơ sở phát triển hơn trong tương lai.
Liên quan tới vấn đề chính sách, Phó Chủ tịch MoMo Nguyễn Bá Diệp cũng nhận thấy cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các ngân hàng, TCTD và Fintech cũng như hoàn thiện quy định pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử; đồng thời nghiên cứu việc tập trung dữ liệu liên quan đến chấm điểm tín dụng (credit scoring)…