Ngân hàng - Fintech: Hợp tác để gia tăng giá trị
FINTECH và những thách thức đối với các cơ quan quản lý châu Á | |
Fintech Việt nhộn nhịp đón vốn | |
Thấu hiểu người dùng để bứt phá trong cuộc đua ngân hàng số |
Khảo sát mới đây thực hiện bởi McKinsey chỉ ra rằng, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ ngân hàng số ít nhất một tháng/lần tại Việt Nam ở mức 82% trong năm 2021, tăng gấp đôi so với năm 2017. Đặc biệt, người dùng dịch vụ các công ty Fintech tại Việt Nam cũng tăng từ 16% lên 56%. Theo McKinsey, quy mô hệ sinh thái số Việt Nam ước đạt 50 tỷ USD và có thể tăng thêm 100 tỷ USD vào năm 2025. Nhìn vào những con số này phần nào có thể thấy, nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng số sẽ ngày càng tăng trong tương lai.
Một chuyên gia tài chính nhìn nhận, dù có những khác biệt song cả ngân hàng và Fintech đều có nhiều lợi ích nếu hợp tác cùng nhau. Fintech có thể hưởng lợi từ quá trình lịch sử lâu dài hoạt động cũng như nền tảng mà các nhà băng cung cấp. Phía ngân hàng lại nhận được giá trị của những người tham gia mới. “Cả ngân hàng và Fintech đều có thể cùng với nhau tạo ra một hệ sinh thái chung, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, thu hẹp khoảng cách giữa các dịch vụ được cung cấp bởi các ngân hàng truyền thống với nhu cầu thực tế của khách hàng”, vị này nhận xét.
Hợp tác ngân hàng - Fintech trên tinh thần win-win |
Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hoà Bình đánh giá, đã có sự thay đổi khá lớn trong tư duy của các ngân hàng về Fintech. “Thời gian trước, thẳng thắn mà nói thì sự hợp tác giữa ngân hàng - Fintech tương đối khó khăn, bởi đa phần Fintech là công ty start-up, phải ra sức thuyết phục ngân hàng bằng nhiều nỗ lực khác nhau. Nếu có hợp tác giữa hai bên thì cũng sẽ mất thời gian rất lâu để cân nhắc. Trong khi trên thực tế, ngân hàng nào đi đầu trong việc cởi mở hợp tác với Fintech thông thường sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”, ông Bình chia sẻ và dẫn chứng năm 2009, NextTech hợp tác với Vietcombank trong việc giúp cho tài khoản Internet Banking của Vietcombank được thanh toán trên mạng. Tổng kết cho thấy 60% giai đoạn đầu giao dịch thanh toán trực tuyến đều qua tài khoản Vietcombank.
Từ trường hợp của Vietcombank, thị trường cũng dần chứng kiến nhiều nhà băng vô cùng năng động trong việc hợp tác với các Fintech. Không phủ nhận là chính các Fintech đã giúp thúc đẩy doanh số của các ngân hàng nhất là trong mảng bán lẻ. Trong chia sẻ gần đây với phóng viên, Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Hải Long cho hay, Agribank đang rất chú trọng đa dạng hoá hệ sinh thái số thông qua việc hợp tác với các công ty Fintech để cung cấp cổng thanh toán hoá đơn tập trung với trên 15 loại dịch vụ khác nhau đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng đến địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đầu tháng 12/2021, PVcomBank cũng đã bắt tay với CTCP Nhất Phương (FinFan) nhằm phát triển dịch vụ nhận kiều hối trực tiếp qua tài khoản thanh toán. Trước đó, thị trường chứng kiến sự kết hợp giữa ngân hàng số Timo (VietCapitalBank) và Công ty NHIS của Hàn Quốc triển khai việc mở tài khoản chứng khoán nhanh chóng qua eKYC…
Để hình thành một hệ sinh thái tương đối cho ngân hàng số, giới chuyên môn cho rằng, bản thân ngân hàng cần phát huy hai yếu tố, đó là sự cởi mở và tính tiên phong. Tiên phong trong việc đưa ra sản phẩm mới và cởi mởi trong phối hợp với Fintech để biến đối tác này thành cánh tay nối dài của ngân hàng. Sự chủ động trong đổi mới sáng tạo là điều có thể nhìn thấy ở các ngân hàng hiện nay và việc hợp tác với Fintech cũng sẽ ngày càng tăng cao. Bởi thế, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác này cũng là vấn đề mà các cơ quan quản lý đang đặc biệt quan tâm.
Thay vì tư tưởng “ông lớn”, theo quan điểm của ông Nguyễn Hoà Bình, ngân hàng cần tư duy fairplay, win-win sẽ tận dụng được thế mạnh hợp tác giữa đôi bên. Về phía Fintech, phải xác định vai trò là hệ sinh thái vệ tinh. Muốn làm được như vậy bắt buộc phải có sự sáng tạo không ngừng ra các sản phẩm, dịch vụ tốt để chào mời các ngân hàng cùng tham gia hợp tác. “Cũng phải nói thêm rằng, bản thân mỗi Fintech cần có bagaining power, hay nói cách khác là thế mạnh về năng lực bán hàng, thúc đẩy giao dịch… riêng có. Fintech hợp tác với ngân hàng là đứng trên vai người khổng lồ. Song điều này không đơn giản bởi nếu không có thế mạnh khác biệt thì Fintech sẽ bị người khổng lồ lấn át”, ông Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Di động trực tuyến (M_Service) - chủ quản ví điện tử MoMo cũng nhận thấy, người tiêu dùng luôn muốn sử dụng nhiều dịch vụ trong hệ sinh thái chứ không đơn lẻ một dịch vụ nào. Do đó các ngân hàng sẽ giữ vai trò nền tảng phối hợp với các công ty Fintech trở thành ngân hàng thế hệ mới, đem lại lợi ích cho cả hai bên và cho toàn xã hội.
Đồng quan điểm, một chuyên gia công nghệ cũng cho rằng, thay vì việc “làm tất ăn cả” tốn rất nhiều thời gian, chi phí, nếu bắt tay hợp tác thì nói nôm na ngân hàng chỉ cần “ngồi một chỗ” là có thể kết nối được hàng chục, hàng trăm đối tác cho mình thông qua nền tảng công nghệ của Fintech mang lại. Khi cởi bỏ được tư duy, cởi trói sự hạn chế về hệ thống để kết nối ra bên ngoài thì đó mới là cái gốc để có thể nói tiếp câu chuyện phát triển về Open Banking, Open API…