M&A vẫn nóng trong dịch bệnh
M&A hứa hẹn bật tăng ngay từ đầu năm |
Trong thời điểm doanh thu và lợi nhuận đang bị suy giảm khá mạnh do ảnh hưởng khách quan từ dịch bệnh thì hiện nay làn sóng mua bán sáp nhập (M&A) lại đang diễn ra khá sôi động ở nhiều DN. Trong đó, đáng chú ý là các DN sản xuất – kinh doanh thuộc khối các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19 như: bán lẻ, chế biến thực phẩm, vận tải – logistics, dược phẩm, du lịch… lại đang là những đơn vị tập trung đẩy mạnh nhiều thương vụ mua bán tiền tỷ.
Đơn cử, thị trường bán lẻ, từ đầu năm 2020 đến nay cho thấy ngay sau khi thương vụ sáp nhập đình đám giữa chuỗi siêu thị VinMart và Tập đoàn Masan diễn ra thành công, hàng loạt các tên tuổi lớn trong làng bán lẻ Việt Nam đã đồng loạt vào cuộc. Theo đó, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã chi ra 300 tỷ đồng để mua 6,05 triệu cổ phiếu CTCP Yeah1. Tập đoàn Masan tiếp tục chi ra khoảng hơn 23 triệu USD để thâu tóm 52% cổ phần của CTCP Bột giặt Net. Tập đoàn BRG cũng chi gần 2.000 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần Hapro.
Vingroup đã nhượng lại chuỗi cửa hàng Vinmart cho Masan |
Ở lĩnh vực vận tải và logistics, đầu tháng 3 vừa qua CTCP Kho vận miền Nam đã cơ bản thống nhất sẽ bán 100% vốn cho Tập đoàn Indo Trans Logistics (ITL Corp). Tập đoàn Sumitomo trước đó cũng đã chi 37 triệu USD để mua cổ phần tại Gemadept. Công ty Mapletree Logistics Trust cũng đã thâu tóm xong kho bãi trị giá 725 tỷ đồng của Unilever. Mới đây, trong lĩnh vực vận tải, thị trường rúng động vì hai hãng xe công nghệ lớn là Grab và GoViet đã có cuộc gặp mặt để bàn về ý định “về cùng một nhà” trong tương lai.
Không chỉ sôi động ở các lĩnh vực bán lẻ, vận tải và kho vận, ở các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và thương mại điện tử, hiện nay thị trường cũng đang nóng lên từng ngày với những cuộc sáp nhập lớn của Dược Hậu Giang với Taisho, Vietravel với Cao đẳng Quốc tế Kent, Đại học Văn Hiến với Tập đoàn Hùng Hậu, nhất là mới đây thương vụ cực khủng giữa hai sàn thương mại trực tuyến Tiki và Sendo cũng đang được hai bên bàn luận.
Những diễn biến trên của hoạt động M&A cho thấy, trong bối cảnh phải căng sức đối phó với ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, giải pháp mua bán, sáp nhập để tăng năng lực và tái cấu trúc các lĩnh vực đầu tư đang là lựa chọn của khá nhiều tập đoàn kinh tế lớn. Các “đại gia” tên tuổi trong lĩnh vực bán lẻ, công nghệ, ô tô và sắt thép như Masan, Thaco, Hòa Phát, FPT… chỉ trong vòng gần một năm vừa qua đã lấn sân mạnh mẽ vào các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thủy hải sản và thực phẩm. Các hãng du lịch, dược phẩm, đồ uống ngoài việc thâu tóm những đơn vị nhỏ lẻ trong ngành, hiện nay đã đặt chân sang các lĩnh vực mới mẻ, có tiềm năng sinh lời như: giải trí – truyền thông, giáo dục mầm non, giáo dục đại học, chế biến dược phẩm…
Tất cả các diễn biến này cho thấy, sự vận động, thích ứng của khối kinh tế tư nhân tại Việt Nam kể cả trong việc đối phó với các biến động thị trường và đối phó với những khó khăn khách quan do thiên tai, dịch bệnh đều đang có sự khởi sắc theo chiều hướng ngày càng chủ động, mang tính chiến lược và bền vững.
Thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2020, nguồn vốn các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần đã ở mức trên 827,3 triệu USD. Trong khi đó, cả năm 2019 giá trị mua bán sáp nhập của các DN đã đạt mức 6,7 tỷ USD. Những con số này cho thấy làn sóng M&A vẫn đang diễn ra rất mạnh mẽ và lan tỏa ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Sự chuyển động linh hoạt của dòng vốn đầu tư (bao gồm cả dòng đầu tư FDI và các thương vụ mua bán sáp nhập nhằm đa dạng hóa sản phẩm của các DN nội địa) cho thấy tiềm năng hội nhập vào các chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu của DN Việt Nam là khá lớn và việc hình thành thêm ngày càng nhiều các tập đoàn kinh tế đa ngành nghề tại Việt Nam là rất khả quan.