Mặt hàng phân bón thuộc diện chịu thuế suất 5%
Quy định thuế GTGT phân bón phải phù hợp để đạt nhiều mục tiêu Phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thuỷ sản có thể phải chịu thuế 5% |
Về đối tượng không chịu thuế, có ý kiến nhất trí với khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật và cho rằng, việc cho phép không nộp thuế GTGT đầu ra nhưng lại được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là không đúng nguyên tắc của thuế GTGT. Có ý kiến đề nghị giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
UBTVQH cho rằng, trên thực tế, chính sách này đến nay không còn phù hợp và cần thiết do các doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng hoá đơn điện tử, Cơ quan thuế đã có thể nâng cao chất lượng kiểm soát và khắc phục tình trạng gian lận hoá đơn. Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về điều kiện để được hoàn thuế, trong đó người mua chỉ được hoàn thuế trong trường hợp “người bán đã kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định đối với hóa đơn đã xuất cho cơ sở kinh doanh đề nghị hoàn thuế”, tạo căn cứ pháp lý cho Cơ quan thuế chỉ giải quyết hồ sơ hoàn thuế khi bên bán đã kê khai và nộp tiền vào NSNN. Do đó, sẽ không xảy ra trường hợp hoàn thuế cho các hoá đơn giả khi không có giao dịch và không có số thuế đầu vào đã được nộp vào ngân sách. Đồng thời, ngày 26/11/2024, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 2 phương án xử lý vấn đề trên. Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, 70,50% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến tán thành với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng bỏ quy định cho phép không nộp thuế GTGT đầu ra nhưng lại được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với nông sản chưa chế biến hoặc sơ chế ở khâu thương mại để bảo đảm nguyên tắc của thuế GTGT là chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi đầu ra thuộc diện chịu thuế GTGT. Nội dung này đã được thể hiện tại Điều 5 của dự thảo Luật.
Quốc hội thống nhất chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5% |
Có ý kiến đề nghị xem xét, nâng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT lên trên mức 200 triệu đồng; có ý kiến đề nghị mức trên dưới 300 triệu đồng hoặc 400 triệu đồng cho những năm tới. UBTVQH cho biết, Luật Thuế GTGT hiện hành đang quy định mức doanh thu không chịu thuế GTGT là 100 triệu đồng/năm. Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số thu NSNN sẽ giảm khoảng 2.630 tỷ đồng; nếu mức doanh thu không chịu thuế là 300 triệu đồng/năm thì số thu NSNN sẽ giảm khoảng 6.383 tỷ đồng. Do đó, để bảo đảm mức tăng hợp lý của ngưỡng doanh thu không chịu thuế, tương đối phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay, dự thảo Luật quy định mức ngưỡng doanh thu 200 triệu đồng/năm như đã thể hiện trong dự thảo Luật.
Về thuế suất, nhiều ý kiến thống nhất với đề xuất áp thuế suất 5% đối với phân bón. Một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành; có ý kiến đề nghị áp dụng thuế suất 0% hoặc 1%, 2%. Có ý kiến đề nghị đánh giá toàn diện tác động của quy định này đối với nông dân và sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản. Có ý kiến lo ngại về khả năng doanh nghiệp trục lợi chính sách, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến nông dân.
Về ý kiến đề xuất đưa phân bón vào diện áp dụng thuế suất GTGT 0% (hoặc 1%, 2%), Chủ nhiệm Ủy ban TCNS khẳng định: Đúng như ý kiến của đại biểu Quốc hội, nếu quy định phân bón áp dụng thuế suất 0% thì sẽ bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu vì đều sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào đã nộp và không phải nộp thuế GTGT đầu ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hàng năm Nhà nước sẽ phải bỏ ra ngân sách để hoàn thuế cho các doanh nghiệp. Ngoài yếu tố bất cập đối với NSNN, việc áp dụng thuế suất 0% đối với phân bón là trái với với nguyên tắc, thông lệ của thuế GTGT là thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, không áp dụng với tiêu dùng trong nước. Việc áp dụng theo hướng này sẽ phá vỡ tính trung lập của chính sách thuế, tạo tiền lệ xấu và không công bằng với các ngành sản xuất khác. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc quy định thêm mức thuế suất 2% sẽ phải kết cấu lại Luật Thuế giá trị gia tăng như thiết kế khoản riêng về mức thuế suất, bổ sung quy định hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp này. Việc quy định thuế suất 1% hoặc 2% đối với phân bón cũng không phù hợp với mục tiêu cải cách thuế GTGT là giảm bớt số lượng các mức thuế suất, không gia tăng số lượng các mức thuế suất so với quy định hiện hành như đã được giải trình với các đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Báo cáo số 1035/BC-UBTVQH15 ngày 28/10/2024, UBTVQH đã giải trình, báo cáo về tác động đối với việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%. Chính phủ cũng đã có Công văn số 692/CP-PL bổ sung giải trình và cung cấp số liệu minh chứng cụ thể.
Để thể hiện đúng quan điểm của Quốc hội trong việc xử lý vấn đề trên, ngày 26/11/2024, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 2 phương án, một là áp thuế suất 5%, hai là giữ nguyên như quy định hiện hành. Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, 72,67% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến tán thành với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ theo hướng quy định thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản. Nội dung này được thể hiện tại khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật.
Về hoàn thuế GTGT, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn đối với quy định tại khoản 3 Điều 15 trong trường hợp các đơn vị sản xuất cả hàng hóa chịu thuế suất 5% và hàng hóa chịu thuế suất 10%, nguyên liệu đầu vào thuế suất 10%, doanh thu chủ yếu từ các mặt hàng chịu thuế suất 5%, doanh nghiệp sẽ không thể khấu trừ hết số thuế GTGT đầu vào 10% và không được hoàn thuế, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH xin chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng cho phép hoàn thuế đối với cơ sở sản xuất, cung ứng cả dịch vụ chịu thuế 5% và 10%, đồng thời giao Chính phủ quy định việc xác định số thuế GTGT đầu vào được hoàn theo tỷ lệ phân bổ như quy định tại khoản 3 Điều 15 dự thảo Luật...