“Mình ra ngân hàng là được ký liền!"
Anh cười mà rằng, hồ sơ, thủ tục vay vốn của anh luôn được ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng nhanh chóng, mỗi khi anh có nhu cầu vay vốn chỉ cần ra ngân hàng "ký" tên là có vốn để làm ăn. Vốn là vùng đất lúa, sau đó anh chuyển đổi sang trồng thanh long, khi thanh long mất giá, anh được ngân hàng hỗ trợ vốn để trồng sầu riêng với số vốn vay 1 tỷ đồng. Đứng giữa vườn sầu riêng mênh mông anh Chính tâm sự, cây đã bắt đầu cho trái, năm rồi mới có 40 cây cho trái mà đã thu về hơn 100 triệu đồng.
"Nếu không có nguồn vốn vay tại ngân hàng, tôi khó có thể có trong tay 3ha sầu riêng như hiện nay. Với mật độ 130 cây/ha, vốn đầu tư một gốc trung bình khoảng 7 triệu đồng, phải 6-7 năm cây mới bắt đầu cho ra trái được nên đây là khoản đầu tư khá lớn và dài hơi. Tin vui là, mới đây cây sầu riêng là một trong số ít nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội "vàng" cho người nông dân chúng tôi đấy...", anh Chính nói.
Ông Phạm Tấn Hòa (bên trái), Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ về hoạt động của Agribank |
Còn ông Dương Hoàng Tân - xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, chủ cơ sở sấy lúa công nghệ cao Tân Tài chia sẻ, từ mức vay tín chấp 5 triệu đồng ban đầu đến nay, dư nợ của ông tại Agribank có thời điểm lên đến 5 tỷ đồng.
Trong suốt hàng chục năm vay vốn của Agribank, ông luôn tin tưởng vào ngân hàng, khi khó khăn, ngân hàng đã chủ động giảm lãi, cơ cấu lại nợ, giảm phí. “Khi cần vay vốn, chúng tôi đều được ngân hàng cấp tín dụng với lãi suất thấp để làm ăn. Đây cũng chính là lý do để chúng tôi tin tưởng và gắn bó với ngân hàng...”, ông bộc bạch.
Theo ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh thì với định hướng phát triển của huyện theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Long An, mũi nhọn trọng tâm vẫn là sản xuất nông nghiệp trong đó phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang cây ăn quả, chủ lực là mít, sầu riêng, nho, cam, na với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Cây ăn quả miền Nam.
Hiện nay, điều cần thiết nhất với bà con vẫn là nguồn vốn đầu tư để mua trang thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao. Nguồn vốn này, hiện được Agribank chi nhánh Tân Thạnh đáp ứng khá tốt.
Bên cạnh đó, chi nhánh cũng đã rất chủ động khoanh nợ, giãn nợ, thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm lãi... đối với các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm điều kiện để nhanh chóng phục hồi và ổn định sản xuất trở lại ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Long An cho biết, hiện nay tổng dư nợ của chi nhánh là 26.950 tỷ đồng. Trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 25.321 tỷ đồng, chiếm 94%/tổng dư nợ. Dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân đạt 22.415 tỷ đồng. Lũy kế đến 20/6/2022, số dư nợ tại Agribank Long An bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 901 tỷ đồng.
Agribank Long An đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 257 khách hàng với dư nợ 159 tỷ đồng; cho vay mới hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với doanh số 113 tỷ đồng. Chi nhánh đã thực hiện hạ lãi suất đối với dư nợ hiện hữu tại thời điểm 15/7/2022 với số tiền lãi thực giảm là 112 tỷ đồng.
Ông Dũng khẳng định: “Với những khách hàng lâu năm có lịch sử tín dụng tốt, sử dụng vốn vay hiệu quả như anh Chính, anh Tân..., ngân hàng luôn có những ưu đãi để thủ tục giải ngân được nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu vốn của họ”.
Cán bộ Agribank chi nhánh Long An kiểm tra sử dụng vốn vay tại nhà anh Chính |
Ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, thời gian vừa qua Agribank Long An đã thực hiện tốt việc cung ứng nguồn vốn cho người dân. Khi người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì ngân hàng thực hiện cơ cấu lại các khoản lãi vay, giảm chi phí, giãn kỳ hạn trả nợ, đặc biệt là tập trung các nguồn vốn để người dân tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả cao. Sự giúp sức của Agribank đã giúp người dân sớm phục hồi sản xuất, khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh.
Hiện nay, địa phương đang tập trung đổi mới công nghệ, xây dựng lại mô hình sản xuất mới nên chắc chắn việc đầu tư cần nguồn vốn rất lớn, đây cũng là thách thức và cơ hội cho Agribank chi nhánh Long An.
Tự hào là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của Long An, bên cạnh đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa… cũng luôn được Agribank chi nhánh tỉnh Long An gìn giữ và phát huy.
Thời gian qua, chi nhánh đã tích cực thực hiện các hoạt động xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, trao tặng mái ấm công đoàn, nhà đại đoàn kết, xây dựng trường học, trao tặng học bổng, thiết bị giảng dạy, xây dựng 11 cây cầu giao thông nông thôn tại các địa phương thuộc tuyến biên giới như Mộc Hoá, Đức Huệ…
Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Agribank chi nhánh tỉnh Long An đã dành ra hơn 2,5 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Năm 2022, các hoạt động an sinh xã hội của chi nhánh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc trao tặng 23 căn nhà tình nghĩa, tình thương cho các gia đình hoàn cảnh khó khăn, trao tặng 3 xe cứu thương trị giá hơn 3,7 tỷ đồng cho ngành y tế, tài trợ Quỹ khuyến học tỉnh Long An 300 triệu đồng và nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực khác, qua đó phát huy thương hiệu Agribank - một ngân hàng thương mại vì cộng đồng.