Mở lối chinh phục thị trường quốc tế
Cơ hội đi đôi với thách thức | |
EVFTA - động lực thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi nhanh sau đại dịch |
Doanh nghiệp cần tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm |
Những lô hàng được ưu đãi thuế
Sau hơn hai tháng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), có hiệu lực, khu vực miền Trung- Tây Nguyên đang là nơi có những lô hàng đầu tiên của cả nước được xuất khẩu sang EU với ưu đãi về thuế quan. Trong đó, có thể kể đến các mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê… những sản phẩm thế mạnh ở khu vực. Các lô hàng đầu tiên được hưởng ưu đãi về thuế này, đã đánh dấu một bước tiến mới, quan trọng mở lối cho nông sản Việt chinh phục những thị trường khó tính như EU.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận, tổ chức xuất khẩu lô hàng tôm nước lợ đầu tiên vào thị trường EU, được hưởng thuế suất 0%. Cụ thể, đây là lô hàng của Công ty TNHH Thông Thuận, có trụ sở tại huyện Thuận Bắc. Được biết, chế biến tôm đông lạnh là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ninh Thuận. Trong đó, chủ yếu đóng góp từ Công ty TNHH Thông Thuận, với khoảng 95% trị giá kim ngạch xuất khẩu.
Tương tự, tại Gia Lai các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức xuất khẩu những lô hàng trái cây và cà phê được hưởng thuế xuất ưu đãi khi xuất khẩu và EU. Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), có trụ sở tại huyện Mang Yang đã xuất lô hàng 100 tấn chanh dây sang Hà Lan. Đây là lô hàng chanh dây đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020. Được biết, trong 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh dây của Việt Nam đã tăng hơn 300%, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh dây lớn trên thế giới chỉ sau các nước như, Brazil, Peru hay Ecuador...
Cũng tại Gia Lai, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, cũng đã tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng cà phê vào thị trường châu Âu theo EVFTA. Theo đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu 14 container 296 tấn cà phê nhân sang thị trường châu Âu với ưu đãi thuế 0%. Theo các nội dung trong EVFTA, ngay khi hiệp định có hiệu lực toàn bộ các sản phẩm cà phê bao gồm chưa rang, đã rang, các loại cà phê chế biến đều được xóa bỏ thuế về 0%; Đồng thời, các sản phẩm cà phê Việt Nam cũng được EU cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê nói riêng và các mặt hàng nông sản Việt Nam tại thị trường tiềm năng này... Theo ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, khi sản phẩm cà phê được vào thị trường các nước EU, hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ, thuế xuất trở về bằng 0%, sẽ đem lại các giá trị bền vững cho người nông dân, doanh nghiệp và nhà nhập khẩu.
Chủ động để làm chủ tình hình
Có thể nói, với những lô hàng đầu tiên xuất khẩu theo EVFTA được hưởng ưu đãi về thuế đã đánh dấu một bước đột phá mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Bởi, việc mở lối vào đã khó thì việc duy trì và phát triển được tại những thị trường khó tính này còn khó hơn nhiều.
Đơn cử như việc, xuất khẩu mặt hàng cà phê vào thị trường EU của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cũng theo ông Thái Như Hiệp, để vào được thị trường châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, được hưởng mức thuế 0%, các sản phẩm cà phê của doanh nghiệp (DN), phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường khó tính này. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.
Rõ ràng, với những hiệp định thương mại tự do như EVFTA đã mở ra những cơ hội rất to lớn cho các DN trong nước, có cơ hội gắn kết sâu rộng, chinh phục thị trường toàn cầu. Với 27 quốc gia thành viên, 511 triệu dân, EU là thị trường lớn, còn nhiều dư địa để các DN khai thác và phát triển. Bên cạnh, tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam, EVFTA còn có thể làm tăng giá trị các mặt hàng khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu trong thời gian tới…
Tuy nhiên, để nắm lấy những cơ hội từ EVFTA mang lại, để có được thành công, các DN cần chủ động tìm hiểu về EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, nhất là thông tin về các ưu đãi thuế quan. Đặc biệt, DN cũng phải chủ động đổi mới công nghệ, mẫu mã, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, chú ý đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ nghiêm các quy định về sở hữu trí tuệ…
Hỗ trợ cho cộng đồng DN, các hiệp hội cũng cần tích cực vào cuộc nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN, nhất là các DNNVV; cung cấp thông tin kịp thời cho các thành viên về cơ chế, chính sách ưu đãi, hàng rào về kỹ thuật, thông tin thị trường để DN sớm nắm bắt, từ đó có những điều chỉnh kịp thời. Về phía người nông dân, muốn tiêu thụ được các sản phẩm nông sản, đặc biệt là nông sản chất lượng cao, cũng cần chủ động gắn kết với DN, nâng cao ý thức trong việc sử dụng các chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đúng quy trình trong chăm bón, bảo quản nông sản.
Đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ, các phương thức sản xuất, trồng trọt, bảo quản và chế biến hiện đại, an toàn để sản phẩm của mình làm ra đảm bảo tiêu chí chất lượng vào các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như EU…