Mở rộng vốn xanh còn nhiều rào cản
Tín dụng xanh: Trăn trở vốn lớn, cho vay dài Cần cơ chế khuyến khích để tăng tốc cho vay xanh |
Trăn trở huy động ngắn, cho vay dài
Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, tính đến 30/9/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt trên 665.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nông nghiệp xanh.
Theo dòng chảy đó, nhận thức về tín dụng xanh của các TCTD cũng ngày càng được nâng cao, các ngân hàng cũng chú trọng tới việc thu xếp nguồn vốn nhất là nguồn vốn rẻ để cho vay xanh. Đơn cử như tại BIDV, nhằm huy động nguồn vốn có giá vốn hợp lý tài trợ cho các dự án xanh bền vững tại Việt Nam, ngân hàng này tiên phong ban hành Khung trái phiếu xanh theo tư vấn của GIZ. Qua 2 đợt phát hành trái phiếu xanh và trái phiếu bền vững trong 2 năm liên tiếp, tổng giá trị chào bán thành công của BIDV là 5.500 tỷ đồng. BIDV cũng đã triển khai sản phẩm tiền gửi xanh vào tháng 6/2024 nhằm huy động nguồn lực cho các dự án giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Một nhà băng khác là Vietcombank cũng đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường.
Bên cạnh trái phiếu xanh, thời gian qua, các nhà băng cũng tích cực huy động nguồn vốn từ các định chế tài chính lớn như WB, IFC, ADB… để thực hiện cho vay các dự án xanh. Cụ thể, IFC đã hợp tác VPBank triển khai chương trình tài trợ chuỗi cung ứng trị giá 30 triệu USD hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực cà phê.
Dù đã có cải thiện đáng kể nhưng tỷ trọng cho vay xanh vẫn còn khá khiêm tốn so với quy mô tín dụng toàn ngành kinh tế. Ông Võ Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc BAC A BANK chia sẻ, phần lớn nguồn vốn cho vay dự án xanh của các ngân hàng đến từ huy động, trong khi nguồn vốn tài trợ của Chính phủ còn hạn chế. Vì thế, để triển khai chính sách tín dụng xanh, BAC A BANK cũng như nhiều ngân hàng khác phải tính toán căn cơ, cân đối hài hòa.
Chưa tính đến rủi ro, các dự án xanh đa số cần nguồn lực lớn để triển khai với thời gian cho vay dài, lên tới hàng chục năm. Trong khi đó, các nhà băng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng đã giảm xuống mức 30% từ tháng 10/2023, theo lộ trình được quy định trong Thông tư 08/2020/TT-NHNN.
Mặt khác do kiến thức, kinh nghiệm của cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan các vấn đề môi trường và xã hội nhìn chung còn hạn chế, trong khi việc cho vay xanh đòi hỏi xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội… nên cũng kéo theo gia tăng chi phí từ phía ngân hàng.
Trong khi đó, việc kêu gọi tài trợ nguồn vốn từ các định chế tài chính lớn đối với các ngân hàng cũng không hề dễ dàng. Chỉ những ngân hàng lớn, có thương hiệu uy tín, xếp hạng tín nhiệm cao mới tiếp cận được nguồn vốn này.
Khó để có nguồn vốn xanh giá rẻ |
Cần đồng bộ chính sách về “xanh”
Theo ước tính của ADB, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi việc đẩy nhanh quá trình phát triển thị trường vốn xanh, tránh phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng từ phía ngân hàng.
Mặc dù tiềm năng từ việc khai thác nguồn vốn ưu đãi từ quốc tế phục vụ mục đích tăng trưởng xanh thông qua hệ thống ngân hàng là rất lớn, tuy nhiên theo các chuyên gia, các định chế tài chính quốc tế đều đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường và xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc nhận tài trợ phải tuân theo để đảm bảo các dự án họ tài trợ, tư vấn sẽ được triển khai có trách nhiệm đối với xã hội, quản lý môi trường bền vững, đồng thời vẫn mang lại những kết quả kinh tế tích cực.
Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để có thể tận dụng tốt nguồn lực quốc tế ưu đãi trong việc tài trợ các dự án xanh, trước tiên phải chú trọng hoàn thiện hành lang pháp lý, có những quy định rõ ràng về dự án xanh.
Ngày 9/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 44/CT-TTg về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó có đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách về trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; trình ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; hoàn thiện bộ tiêu chí xanh quốc gia làm cơ sở xác định và phân loại các hoạt động kinh tế… Theo ông Khôi, khi có bộ tiêu chí xanh quốc gia sẽ là một động lực rất lớn giúp các tổ chức tài chính xác định rõ ràng hơn các dự án thân thiện với môi trường, từ đó xây dựng niềm tin và thu hút thêm nhà đầu tư.
“Hiện nay, các quốc gia trên thế giới là đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã đặt ra yêu cầu cao về chuyển đổi xanh, quản lý phát thải carbon. Vì vậy, việc đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững trong xuất khẩu là yêu cầu sống còn. Các doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ về nguồn vốn để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất xanh”, ông Khôi chia sẻ.
Để thúc đẩy sự phát triển của một trong những kênh vốn tiềm năng là trái phiếu xanh, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất cần chú trọng phát triển hệ thống thông tin về kinh tế xanh, tài chính xanh, đảm bảo thống nhất và kiểm định chặt chẽ, đáng tin cậy, từ đó thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi để khuyến khích các chủ thể phát hành trái phiếu xanh và các nhà đầu tư tham gia thị trường, đơn cử như những ưu đãi về thuế, phí, tạo thuận lợi cho các đơn vị phát hành.