Mở tài khoản ngân hàng sẽ ngày một chặt chẽ hơn
VMG eID và VMG Bio-2345 - ‘trợ thủ’ bảo vệ tài khoản ngân hàng Chuyển đổi số đang chuyển động cả chất và lượng |
Trong đó, dự kiến sau ngày 1/10/2024 sẽ có thông tư hướng dẫn các NHTM và trung gian thanh toán về việc mở tài khoản ngân hàng bằng phương pháp xác thực khách hàng điện tử (eKYC) phải yêu cầu khách hàng xuất trình căn cước công dân (CCCD) gắn chip, trường hợp khách hàng không có CCCD gắn chip thì mở tài khoản tại quầy giao dịch.
Theo phản ánh của các NHTM, từ đầu năm 2024, họ đã nhận được văn bản của cơ quan quản lý về việc thực hiện mở tài khoản qua các ngân hàng số, ứng dụng ngân hàng điện tử phải thực hiện rà soát thông tin qua CCCD gắn chip. Theo đó, hầu hết các ngân hàng đã thực hiện việc này như một giải pháp để bảo vệ sự an toàn của chính ngân hàng. Tuy nhiên trong thời gian tới, việc có thông tư hướng dẫn hoạt động mở tài khoản cho khách hàng phải có CCCD gắn chip sẽ là cơ sở pháp lý để các TCTD không bị áp lực trước khách hàng.
Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến cuối năm 2023, Bộ này đã cấp 83,7 triệu CCCD gắn chip cho người dân, qua đó gần như toàn bộ dân số đến tuổi trưởng thành đủ điều kiện mở tài khoản ngân hàng đã có CCCD gắn chip. Trong khi đó theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến thời điểm hiện nay, các TCTD đã mở hơn 180 triệu tài khoản ngân hàng - mỗi số tài khoản là một bộ hồ sơ cá nhân.
Hiện cũng đã có hơn 40 TCTD ký kết hợp tác với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp thiết bị, giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ CCCD gắn chíp, 27 tổ chức triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán, 7 tổ chức phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm chấm điểm khả tín cho công dân.
Chủ tịch một NHTM có vốn nhà nước chi phối cho biết, sau 22 ngày triển khai Quyết định 2345 của NHNN trong đó có yêu cầu khách hàng chuyển tiền từ trên 10 triệu đồng/giao dịch và lũy kế hơn 20 triệu đồng/ngày phải thực hiện xác thực sinh trắc học khuôn mặt, việc bảo mật an ninh an toàn thanh toán đã không là việc của riêng các ngân hàng và ví điện tử mà có sự chung tay của người sử dụng dịch vụ tài chính.
Bà Đoàn Hồng Nhung, Giám đốc khối bán lẻ Vietcombank cho biết, việc triển khai mở tài khoản bằng CCCD gắn chip để định danh khách hàng đã giúp khách hàng của Vietcombank giảm một lượng lớn hồ sơ khách hàng phải ký khi đến giao dịch tại quầy, vì khi ngân hàng áp dụng CCCD gắn chip định danh khách hàng, ngân hàng có dữ liệu sạch. Vietcombank mong muốn ứng dụng dữ liệu khách hàng bằng CCCD gắn chip và VNeID được sử dụng như một chữ ký số để các bên sử dụng cho các yêu cầu của Luật Giao dịch điện tử.
Theo đại diện Vietcombank, với ứng dụng tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 và CCCD gắn chip, ngân hàng sẽ trực tiếp kết nối dữ liệu với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là đường dài phát triển của các TCTD trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia tại kênh quầy và kênh số thuận tiện và tăng trải nghiệm cho khách hàng. Chẳng hạn, Vietcombank hiện nay đã có thể cấp tín dụng thấu chi trực tuyến đối với những khách hàng nhận lương qua tài khoản ngân hàng này tối thiểu từ 6 triệu đồng/tháng/người mà không cần yêu cầu tài sản thế chấp của khách hàng.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, sau khi triển khai Quyết định 2345/2023/QĐ-NHNN từ ngày 1/7/2024 để bảo vệ dữ liệu cá nhân, ông cũng chỉ đạo TCTD và các đơn vị trong hệ thống từng giây từng phút quan tâm đến hệ thống công nghệ ngân hàng và thường xuyên cập nhật những quy định của NHNN về công nghệ để sẵn sàng bảo vệ ngân hàng, bảo vệ tài sản của khách hàng.