Mobile Money: Cơ hội lớn, thách thức nhiều
Dịch vụ ngân hàng số: Nhu cầu tất yếu | |
Dồn lực đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt | |
Trải nghiệm tài chính mới qua ứng dụng |
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Thông tin - Truyền thông mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đồng ý việc thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các khoản nhỏ lẻ và đầu tiên sẽ thí điểm với một đơn vị viễn thông. Trước đó, Bộ Thông tin - Truyền thông đã trình Chính phủ Đề án cho phép người dùng sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ nội dung số và đã được đồng ý. Theo đó, thuê bao của các nhà mạng và công ty nội dung số được nạp tiền chung tài khoản viễn thông để thanh toán khi mua các hàng hoá có giá trị nhỏ cũng như các dịch vụ thanh toán trực tuyến khác.
Tài chính di động là hạ tầng cho ngành tài chính |
Với đề xuất thí điểm Mobile Money, giới chuyên gia nhận định đây đang là xu thế trên toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển. Theo Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), Mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động, chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động… và những dịch vụ tương tự. Mobile Money nếu được thí điểm tại Việt Nam sẽ tạo ra cơ hội nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, vai trò của các đơn vị viễn thông trong phát triển thanh toán di động là rất quan trọng. Bằng chứng là ở một số quốc gia, các công ty viễn thông được cấp phép cung cấp dịch vụ tài chính đã làm rất tốt vai trò phổ cập tài chính vi mô đến người dân. CEO của The Disruptive Group Nguyễn Triệu Huy cũng chia sẻ, giống như cách internet đã giúp hàng trăm triệu người tìm thấy cơ hội mới, tài chính di động cũng sẽ nhanh chóng giúp hàng trăm triệu người lần đầu tiên được tiếp cận dịch vụ tài chính - không chỉ dịch vụ thanh toán, mà còn các dịch vụ khác với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mô hình tài chính truyền thống.
Lấy đơn cử một ví dụ điển hình về tiền tệ di động tại Kenya, số lượng tài khoản M-Pesa (sản phẩm của nhà mạng lớn nhất Kenya – Safaricom) đã tăng từ con số 0 lên đến 30 triệu tài khoản chỉ trong vòng 10 năm. Tuy vậy, cũng trong khoảng thời gian đó, số tài khoản ngân hàng ở Kenya cũng tăng chóng mặt thêm 35 triệu tài khoản. Nếu so sánh Kenya với các nước châu Phi khác, không có quốc gia nào có được mức tăng trưởng tương tự trong hệ thống ngân hàng. Hay một trường hợp khác như tại thị trường Indonesia, dịch vụ thanh toán di động do các ngân hàng và công ty viễn thông cung cấp là phổ biến nhất. Tcash của công ty viễn thông Telkomsel là ví điện tử do đơn vị viễn thông cung cấp lớn nhất thị trường.
CEO này đặt ra câu hỏi “Liệu có phải chúng ta cho rằng mức độ tiếp cận ngân hàng sẽ thấp khi hầu hết người tiêu dùng hài lòng với dịch vụ tiền tệ qua di động?”. Như vậy, tại sao mức độ tăng trưởng trong ngành Ngân hàng lại diễn ra mạnh mẽ nhất ở quốc gia có dịch vụ tiền tệ qua di động phát triển nhanh nhất? Theo ông Huy, tài chính di động không đơn thuần là dịch vụ tài chính, mà nó chính là hạ tầng cho ngành tài chính. “Những hạ tầng khi phát triển tới gần giai đoạn bão hoà, sẽ tạo điều kiện cho hạ tầng khác phát triển từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên tầm cao hơn”, vị này cho hay.
Tuy nhiên, chuyên gia thừa nhận, cơ hội mang lại là không phải bàn cãi, song đây cũng là thách thức trong việc đảm bảo an toàn giao dịch, bảo mật thông tin, tội phạm công nghệ cao… Bởi vậy, những giải pháp, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao đòi hỏi tiếp tục được tăng cường, thường xuyên cập nhật. Bên cạnh đó, cũng có băn khoăn cho rằng khi đưa vào thí điểm, liệu người dùng có được sử dụng tiền mặt để nạp vào tài khoản thuê bao điện thoại hay phải liên kết với ngân hàng. Bởi “nếu không liên kết với ngân hàng, nguy cơ cho vấn đề rửa tiền, hay tiền phạm pháp là có thể xảy ra”, chuyên gia nêu ý kiến. Song cũng cần phải có sự tính toán, bởi nếu liên kết qua tài khoản ngân hàng, thì lại vấp phải thực tế là tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam dù đã có sự tăng trưởng hơn thời gian qua nhưng vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Mặt khác, TS. Cấn Văn Lực nhận xét, thị trường hiện có khá nhiều giải pháp kỹ thuật và nền tảng trung gian thanh toán cho điện thoại. Các yếu tố và giải pháp công nghệ mới như NFC, Cloud, sử dụng API trong các dịch vụ tài chính chưa thực sự phổ biến mạnh mẽ tại Việt Nam. Việc này dẫn đến quy trình cung cấp dịch vụ thanh toán di động chưa nhanh, chưa tối ưu hoá chi phí và chưa linh hoạt. Và hơn hết, nếu muốn người dân Việt Nam có thể thanh toán bằng điện thoại ở mọi nơi với những giá trị nhỏ nhất như bãi đỗ xe, cửa hàng tạp hoá… thì đồng nghĩa với việc các điểm thanh toán cũng phải phát triển theo. Trong xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, Chính phủ các nước cũng như các tổ chức rất quan tâm tới khái niệm hệ sinh thái. Hệ sinh thái là môi trường nuôi dưỡng và phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới ngày nay. Thanh toán qua di động cũng không nằm ngoài xu hướng này.