Mobile Money khác ví điện tử
Mobile Money nên hướng về nông thôn | |
Sẽ có “cách mạng” trong thanh toán | |
Thí điểm Mobile Money: Vẫn phải bảo đảm an toàn thanh toán lên hàng đầu |
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). NHNN cũng đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó cho phép người dùng Mobile Money không phải liên kết qua tài khoản ngân hàng mà có thể nạp tiền rút tiền mặt trực tiếp tại các cửa hàng viễn thông của những nhà mạng được chọn thí điểm.
Bởi vậy ngay khi ý tưởng về Moblie Money được đề xuất, đã có không ít ý kiến tỏ ra lo ngại rằng phương thức thanh toán mới này sẽ “lấn sát” ví điện tử. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, điều đó sẽ không xảy ra do mục tiêu và phân khúc thị phần mà các phương thức thanh toán này nhắm đến có nhiều khác biệt.
Ảnh minh họa |
Mobile Money và các ví điện tử hiện nay có cùng mục đích sinh ra để thanh toán các món nhỏ lẻ nhằm tạo một cộng động thanh toán không dùng tiền mặt, tiết kiệm chi phí cho xã hội cả ở khâu in tiền và phát hành tiền mệnh giá nhỏ. Thế nhưng theo dự kiến, do Mobile Money hướng tới phục vụ các khoản thanh toán nhỏ lẻ nên hạn mức thanh toán của phương thức này được giới hạn ở mức thấp hơn nhiều so với ví điện tử.
Theo Vụ Thanh toán – NHNN việc xây dựng thí điểm Mobile Money đang được xây dựng hạn mức thanh toán dự kiến 10 triệu đồng/tháng đối với một tài khoản Mobile Money được định danh. Trong khi theo quy định của Thông tư 23/2019/TT-NHNN, tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở) tối đa là 100 (một trăm) triệu đồng trong một tháng.
Đó là chưa kể thời gian qua, các ví điện tử đã phát triển rất nhanh hệ sinh thái thương mại dịch vụ để thu hút người dân sử dụng ví thanh toán từ món hàng hóa nhỏ lẻ. Chẳng hạn, Ví điện tử MoMo công bố đã xây dựng một hệ sinh thái đáp ứng hầu hết các nhu cầu thiết yếu của gần 20 triệu khách hàng với hơn 22.000 đối tác kinh doanh trong các lĩnh vực như: tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán, giải trí, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải và dịch vụ ăn uống, quyên góp từ thiện…
Đáng kể, ví điện tử này liên kết với chuỗi rạp chiếu phim CGV thu hút người trẻ mua vé xem phim mua những hộp bắp rang, nước uống có giá trị nhỏ lẻ, các nhà bán lẻ hàng hóa thiết yếu ở siêu thị, cửa hàng xăng dầu. Đặc biệt ví này đang theo đuổi thanh toán dịch vụ công như các khoản phí và lệ phí khi cổng dịch vụ công quốc gia thông suốt trong tương lai. Đặc biệt gần đây Ví điện tử MoMo đã tham gia kết nối với các bệnh viện và công ty bảo hiểm... để thanh toán các khoản có giá trị hàng chục triệu đồng/giao dịch.
Bên cạnh Ví điện tử MoMo trên thị trường hiện nay đang có Ví điện tử Payoo lại đang dẫn đầu về giá trị giao dịch thanh toán trong 5 ví điện tử chiếm 90% thị phần toàn thị trường. Ví điện tử MoCa lại như hình với bóng với hệ sinh thái của Grab mặc dù tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ không cao trong hệ sinh thái Grab-MoCa nhưng họ buộc phải dựa vào những lợi thế của nhau để phát triển thị phần thanh toán không dùng tiền mặt trong các chuỗi bán hàng có giá trị nhỏ rất tiềm năng.
Xét cho cùng, ví điện tử hay Mobile Money đều là các trung gian thanh toán, thu tiền mặt và luân chuyển bằng tiền điện tử hưởng chênh lệch tiền phí quản lý tiền mặt trong hệ thống ngân hàng. Theo tính toán của Cơ quan Kho quỹ thuộc NHNN hàng năm lượng tiền mặt đáp ứng cho thị trường luôn chiếm khoảng 20-25% tổng lượng cung tiền. Trong khi tổng lượng thanh toán trong nền kinh tế hiện nay vẫn chiếm gần 90% là tiền mặt, đây là thị trường béo bở của các trung gian thanh toán, nhất là những đơn vị bán hàng có giá trị nhỏ lẻ lượng tiền mặt nhiều hứa hẹn một thị trường cho các nhà phát triển các công cụ thanh toán điện tử.
Theo số liệu thống kê của Vụ Thanh toán, tính đến cuối tháng 4/2020, thanh toán qua kênh điện thoại di động (bao gồm mobile banking, ví điện tử,) tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Phát biểu tại một hội thảo xã hội không tiền mặt tuần qua ở TP.HCM, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, NHNN sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hàng từ xa bằng phương thức điện tử (eKYC).