Môi trường kinh doanh "ách tắc" vì thông tư
Theo thống kê, tính từ ngày 1/1/2016 đến ngày 20/7/2020, số lượng thông tư chiếm hơn 68% tổng số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ban hành. Tính trung bình, mỗi luật (gộp chung luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) có 6,8 nghị định; 1,8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có tới 25,8 thông tư; 1,9 thông tư liên tịch hướng dẫn. Tuy nhiên, rà soát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh mới nhất cho thấy, chính các thông tư đang còn nhiều điểm vướng cần phải tháo gỡ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Hệ thống các thông tư hướng dẫn hiện đang còn nhiều điểm vướng cần tháo gỡ |
Luật Doanh nghiệp 2005 đã có quy định về thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh, trong đó khẳng định “bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”. Luật Đầu tư 2014 và 2020 tiếp tục duy trì điều cấm này. Tuy nhiên một số luật chuyên ngành lại ủy quyền cho bộ trưởng quy định một số quy định có tính chất như điều kiện kinh doanh (ví dụ: quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục để cấp chứng chỉ hành nghề…). Mặt khác, hiện nay, giữa các cơ quan soạn thảo chính sách vẫn chưa có quan điểm thống nhất về việc thế nào thì được xem là điều kiện kinh doanh, dẫn đến thời gian qua đã có nhiều thông tư quy định các dạng quy định này và cho rằng không vi phạm vì hướng dẫn theo ủy quyền của luật.
Nhiều điều kiện kinh doanh vì thế đang được “ẩn” trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hay trong các tiêu chí chọn doanh nghiệp. Ví dụ quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Dược 2016, các cơ sở sản xuất kinh doanh dược muốn gia nhập và hoạt động theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt” phải đáp ứng các tiêu chí về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của các nhân sự, các yêu cầu về nhà xưởng và thiết bị. Trong đó cách thức thiết kế các yêu cầu về nhà xưởng và thiết bị trong bộ nguyên tắc “Thực hành tốt” có nhiều điểm tương tự như quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
"Điều này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của công tác kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh ở các thông tư và làm dấy lên mối lo ngại tình trạng ban hành điều kiện kinh doanh một cách tràn lan như trước đây đang quay trở lại. Điều này sẽ khiến môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên kém thuận lợi vì rào cản từ các điều kiện kinh doanh được ban hành bởi quy trình xây dựng không được giám sát chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp", VCCI cảnh báo tại báo cáo.
Mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về kinh doanh là một trong những “điểm nóng” trong khoảng 2 năm trở lại đây và đã được các cơ quan Nhà nước thực hiện nhiều đợt rà soát, sửa đổi, bổ sung, giải quyết phần nào. Tuy nhiên, việc này mới được tiến hành ở các văn bản cấp nghị định, luật và chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Bởi, mâu thuẫn, chồng chéo còn có ở nhiều lĩnh vực, ngành khác nhau và đặc biệt có khá nhiều ở văn bản cấp thông tư. Thậm chí có trường hợp các quy định trong cùng một văn bản lại mâu thuẫn nhau khiến doanh nghiệp không biết nên thực hiện như thế nào. Có thông tư ban hành chưa lâu đã bị ngưng hiệu lực vì chất lượng “có vấn đề”, thông tư hướng dẫn ban hành và có hiệu lực khá xa so với thời điểm có hiệu lực của nghị định, luật. Những vướng mắc này làm “ách tắc” cả quá trình đầu tư kinh doanh, khiến cho tinh thần tiến bộ, tích cực, cải cách thể hiện trong các văn bản cấp trên không được hiện thực hóa vào đời sống kinh tế.
Nguyên nhân của hiện tượng trên được VCCI chỉ ra là quy trình xây dựng, ban hành thông tư chưa thực sự minh bạch theo quy định tại Luật Ban hành VBQPPL. Mặc dù về cơ bản trong quá trình soạn thảo, các bộ đều lấy ý kiến doanh nghiệp đối với các dự thảo liên quan, nhưng phần lớn chỉ ở duy nhất một phiên bản dự thảo. Rất ít trường hợp doanh nghiệp nhận được phiên bản thứ hai đã chỉnh sửa sau lần góp ý lần đầu. Trong khi đó, sau khi lấy ý kiến các đối tượng liên quan, bộ sẽ tiến hành chỉnh sửa, bổ sung, thêm bớt các quy định. Vì vậy có tình trạng, sau khi lấy ý kiến doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo thêm vào những điều khoản quan trọng, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp chỉ biết khi thông tư đã ban hành. Như Thông tư số 40/2021/TT-BTC chỉ khi ban hành, doanh nghiệp mới biết là có quy định yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán hàng trên sàn.
Chính vì vậy, để cải thiện chất lượng của thông tư, doanh nghiệp cho rằng cần tập trung minh bạch hơn nữa về quy trình xây dựng thông tư, đặc biệt ở các khâu lấy ý kiến (công khai biên bản dự thảo cuối cùng trước khi trình ký để doanh nghiệp nhận biết); khâu giải trình tiếp thu (công khai bản giải trình tiếp thu của các bộ). Cần phải quy định trong VBQPPL về trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo công khai các thông tin này.
Bên cạnh đó, cần sớm có quy định để xác định thế nào là điều kiện kinh doanh. Đây chính là cơ sở để cơ quan chủ trì soạn thảo nhận biết được các dạng quy định được phép quy định hay không và cũng là cơ sở để các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức khác giám sát việc thực thi của cơ quan soạn chính sách.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất cần phải quán triệt trong các luật chuyên ngành để tránh tình trạng ủy quyền cho thông tư ban hành thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Các bộ cũng cần nâng cao chất lượng của các báo cáo đánh giá tác động trong đó cần tham vấn, khảo sát doanh nghiệp đối với các chính sách mới, các thủ tục hành chính để nhận diện chính xác những chi phí tuân thủ mà doanh nghiệp phải thực hiện, những tác động có thể có của chính sách lên doanh nghiệp. Đồng thời, cần minh bạch về quy trình tiếp nhận phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là thông tin về xử lý phản ánh của doanh nghiệp trong các đợt rà soát VBQPPL của cơ quan nhà nước để tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp về hoạt động xây dựng chính sách.