Một năm thí điểm cho vay chuỗi (Bài 1)
Bài 1: Vốn lớn Vào chuỗi đã rõ hơn
Những ao cá thí điểm đã thu hoạch
Nằm trong danh sách các DN được các TCTD ký kết cho vay vốn ngay trong đợt đầu thực hiện chương trình thí điểm cho vay theo chuỗi, đến thời điểm cuối tháng 4/2015, Công ty TNHH SX TM-DV Thuận An (Tafishco – An Giang) đã vay được 200,4 tỷ đồng trong tổng số 234,7 tỷ đồng hạn mức được phê duyệt của dự án.
Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Giám đốc Tafishco cho hay, nhờ nguồn vốn nói trên Tafishco đã thực hiện vùng nuôi cá tra liên kết với diện tích 41,55 ha mặt nước, trong đó liên kết trực tiếp với 8 hộ nuôi lớn có diện tích gần 23 ha. Tính đến đầu tháng 5/2015, 26 ao nuôi trong chuỗi liên kết của Tafishco đã thu hoạch, tổng sản lượng cá đạt khoảng trên 8.300 tấn. Nếu so sánh với các hộ nuôi ngoài vùng liên kết, giá thành nuôi cá trong chuỗi của Tafishco giảm từ 500 – 1.000 đồng/kg, mỗi kg cá có mức lãi từ 1.500 – 2.000 đồng, lợi nhuận của người nuôi đạt khoảng 480 – 640 triệu đồng/ha/vụ.
Lợi nhuận của hộ nuôi cá tra liên kết chuỗi cao hơn từ 48,7 – 57,4 triệu đồng/ha/vụ |
Trong khi đó, tại Đồng Tháp, sau 10 tháng triển khai cho vay đối với chuỗi liên kết của nhóm Công ty Hùng Cá, VietinBank Chi nhánh Đồng Tháp đã giải ngân được trên 1.170 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này nhóm công ty Hùng Cá đã duy trì vùng nuôi liên kết với hơn 300 hộ dân tại địa phương. Hiện nay, nhiều ao nuôi trong chuỗi của Hùng Cá đã thu hoạch với mức lợi nhuận chênh lệch so với nuôi nhỏ lẻ từ 48,7 – 57,4 triệu đồng/ha/vụ.
Ghi nhận của Công ty Hùng Cá cho thấy, nhờ có chuỗi liên kết, các hộ dân tham gia đã tiếp cận được nguồn vốn lãi suất ưu đãi từ 6-7%/năm, khi thu hoạch không phải lo lắng chuyện bán cá, tránh được hiện tượng cá quá lứa, quá kích cỡ như các năm trước đây. Về phía công ty, do tận dụng được nguồn vốn lãi suất thấp chi phí đầu vào của khâu nuôi cá được tiết giảm mạnh, lợi nhuận của DN ước tăng thêm khoảng 20% so với thời điểm trước chương trình cho vay theo chuỗi được thực hiện.
Cuối tháng 5/2015, NHNN đã tổ chức khảo sát về tình hình thực hiện chương trình tín dụng cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 tại các địa phương trên cả nước. TBNH ghi nhận một số kết quả từ phản ánh thực tế các mô hình sản xuất tiêu thụ lúa gạo, cá tra, rau màu… tại khu vực ĐBSCL |
Gỡ hiểu nhầm để mở rộng quy mô
Theo phản ánh của ông Nguyễn Thanh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Hùng Cá, hiện nay vướng mắc lớn nhất trong việc vay vốn theo chuỗi mà công ty gặp phải là quy định về nguyên tắc cho vay chưa rõ ràng nên gây sự hiểu nhầm.
Cụ thể, hiện nay công ty Hùng Cá đang được VietinBank Chi nhánh Đồng Tháp cho vay vốn luân chuyển theo từng giai đoạn từ khâu sản xuất cá giống, chế biến thức ăn thủy sản đến các khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cá tra. Tuy nhiên, việc thu nợ khâu trước và cho vay khâu sau đối với cùng một DN đang bị cơ chế giám sát của NH xem là đảo nợ. Do vậy có những thời điểm công ty cần vốn để đầu tư khâu chăm sóc nhưng việc giải ngân chưa được kịp thời.
Ngoài ra, theo phản ánh của các DN đang thực hiện chuỗi liên kết cá tra, hiện nay về cơ chế tài sản đảm bảo áp dụng cho chương trình cho vay thí điểm chưa có quy định cho phép các TCTD nhận thế chấp bằng sản lượng cá trong ao. Trong khi cá đã nuôi đến tháng thứ 5 là gần đến thời kỳ thu hoạch, nhu cầu đầu tư thức ăn rất lớn. Vì vậy, nếu các NH không nhận thế chấp bằng chính lượng cá dưới ao thì DN và hộ nuôi không có đủ tài sản để thế chấp khi vay vốn.
Ghi nhận những ý kiến này, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trước mắt trong khi chờ NHNN có những hướng dẫn cụ thể về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, đề nghị VietinBank nghiên cứu, hướng dẫn quy trình cho vay thí điểm, không xem việc cho vay khâu sau thu nợ khâu trước là đảo nợ.
Song song đó, ông Thạch dẫn chứng rằng tại Thông báo số 262/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ghi nhận việc bổ sung quy định về nhận tài sản thế chấp hình thành trong tương lai đối với sản lượng cá trong ao nuôi là hợp lý. Vì vậy, trong thời gian tới địa phương cũng sẽ tiếp tục kiến nghị NHNN để tháo gỡ điểm khó này, giúp DN tăng cơ hội vay vốn khi thực hiện các chuỗi sản xuất khép kín.
Doanh nghiệp muốn mở rộng mô hình Theo bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, hiện nay do nhu cầu mở rộng công suất chế biến, Tafishco kiến nghị UBND tỉnh An Giang và NHNN xem xét chấp thuận để công ty mở rộng quy mô chuỗi liên kết từ diện tích 41,55 ha lên mức 72 ha mặt nước đồng thời tăng số hộ liên kết từ 8 hộ lên 30 hộ. DN này mong muốn sẽ được các TCTD trên địa bàn cho vay vốn theo chương trình thí điểm trong thời hạn 5 năm để đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Ghi nhận kiến nghị này, ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang cho rằng, hiện nay có một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm vào quy chế xét duyệt đối với các DN đủ điều kiện cho vay theo chuỗi. Theo đó, khi xét duyệt cho vay ban đầu thì địa phương cần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo từ NHNN và các bộ, ngành liên quan, nhưng khi DN muốn mở rộng hoặc thu hẹp dự án theo từng giai đoạn cụ thể thì nên trao quyền quyết định cho chính quyền cấp tỉnh/thành. Tuy nhiên, do chương trình cho vay theo chuỗi mới trong giai đoạn thí điểm và sơ kết 1 năm. Do đó, các kiến nghị của DN tạm thời sẽ được ghi nhận để trình Chính phủ và các bộ, ngành xem xét giải quyết trên cơ sở các điều chỉnh chung về mặt pháp lý của cả chương trình tín dụng ưu đãi này. |
Bài 2: Gỡ nút thắt chuỗi lúa Gạo khép kín