Năm 2021: Nông nghiệp sẽ tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế
Nhiều điểm sáng trong năm mới
Theo số liệu thống kê, dù bước qua năm 2020 đầy rẫy khó khăn với ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịch bệnh của gia súc vật nuôi; lũ lụt ở miền Trung; lạnh bất thường, mưa bất thường ở khu vực miền núi phía Bắc… nhưng toàn ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD; hơn 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.
Quan trọng nhất là ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo được lương thực thực phẩm cho người dân trong nước. Thậm chí Việt Nam vẫn đảm bảo được 43 triệu tấn lúa, xuất khẩu được 6 triệu tấn gạo. Xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua mức 41 tỷ USD, tạo ra trên 10 tỷ USD xuất siêu, chiếm khoảng 50% tổng xuất siêu của Việt Nam trong năm 2020. “Với đà tái cơ cấu nông nghiệp như hiện nay cùng với các cơ hội mở ra từ nhiều hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và sự chủ động của ngành nông nghiệp, tin tưởng rằng sẽ tạo ra sức kéo mới giúp nông nghiệp tiếp tục trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong năm 2021”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Nông nghiệp sẽ vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong năm 2021 |
Còn theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, năm nay các ngành của nông nghiệp đều có tăng trưởng ấn tượng và khá chuẩn chỉnh, bài bản. Ví dụ như ngành trồng trọt có mức tăng trưởng gấp đôi năm 2019, từ 1% lên 2,5%, ngành chăn nuôi tăng trưởng 5,04%, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo có giá cao nhất thế giới. Ông Thủy cho rằng xuất khẩu nông sản vẫn sẽ đóng vai trò xung kích trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021.
Cũng khẳng định nông nghiệp sẽ vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế không chỉ năm 2021 mà còn nhiều năm tiếp theo, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng: “Ngành nông nghiệp có nhiều sản phẩm đặc thù được ưu tiên, Việt Nam lại có lợi thế về phát triển sản phẩm theo vùng miền, đặc biệt, xu hướng phát triển tuần hoàn giữa chăn nuôi và trồng trọt đem đến cơ hội để chúng ta quay lại sản xuất hữu cơ và giúp tăng chuỗi giá trị trong nông nghiệp”.
Cần giải điểm nghẽn về chế biến
Theo ông Hoàng Trọng Thủy, dù có nhiều điểm sáng nhưng nông nghiệp trong thời gian tới cũng đối mặt với nhiều vấn đề. Đơn cử như biến đổi về mặt khí hậu, ngoài ra Việt Nam cũng đang bước vào thời kỳ an ninh dinh dưỡng, rõ ràng nhu cầu về nông sản sạch, thực phẩm sạch sẽ gia tăng. “Dù vẫn là trụ đỡ nhưng nông nghiệp cũng cần một nền móng vững chắc, phụ thuộc vào tính chuyên nghiệp, tư duy mới của người nông dân và sự kết hợp giữa địa phương và Trung ương trong các chính sách phát triển nông nghiệp”, ông Thủy đánh giá.
Nói về điểm nghẽn của ngành nông nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, chế biến trong nông nghiệp là câu chuyện cần giải quyết đầu tiên. Bởi lẽ, Việt Nam có đủ các yếu tố cần thiết như đường bờ biển dài, kỹ năng của công nhân tốt, nhưng các khu chế biến vẫn chưa được đầu tư xứng với tiềm năng của ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện thương mại điện tử ngày càng phát triển, phần bán thô sẽ giảm, yêu cầu về cách đóng gói, bao bì sẽ khác hoàn toàn. Đơn cử như với sầu riêng, 30% là múi, 70% là vỏ, nếu xuất khẩu thô sẽ phải gánh chi phí lớn. Hiện nay, sản xuất trong nông nghiệp của chúng ta gấp 7-8 lần nhu cầu trong nước, chưa kể hàng nhập khẩu, vì vậy phải cải thiện chế biến, tạo công ăn việc làm, thu hút sản phẩm thô của nơi khác và xuất khẩu tại chỗ.
Về vấn đề này, theo ông Thủy, khi nói đến nông nghiệp là nói đến 3 yếu tố, năng suất, chất lượng và chế biến. Trong đó, chế biến đóng vai trò thúc đẩy hai yếu tố trên. Thực tế cho thấy, dù nông sản của Việt Nam có năng suất tốt, chất lượng cao nhưng tỷ lệ chế biến sâu mới đạt 12%, làm giá trị của nông sản thấp đi. Chính vì vậy, cần giải quyết bài toán này để góp phần giúp gia tăng giá trị của nông sản, từ đó hài hòa về mặt lợi ích của các bên và chính điều đó sẽ tạo nên động lực để hạn chế câu chuyện “giải cứu” nông sản.
Trước câu chuyện phát triển lĩnh vực chế biến trong nông nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, hiện nay, việc làm kinh tế hợp tác, xây dựng liên kết chuỗi trong nông nghiệp cũng đã phát triển. Về việc chế biến, đã nhiều DN chế biến quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, trong năm 2020, có 17 dự án nhà máy chế biến quy mô lớn, có giá trị khoảng 1 tỷ đô, nhiều DN có khả năng quản trị tốt, có nguồn vốn đã tìm đến nông nghiệp.
Câu chuyện đặt ra là làm sao để DN đó kết nối được vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng cho chuỗi. Theo ông Tuấn, đã bắt đầu có khái niệm phát triển cụm ngành nông nghiệp, trong đó có công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp. Trong cụm ngành nông nghiệp đó, phải có hệ thống hạ tầng thủy lợi, đường, điện bài bản, khu để công nghiệp chế biến tham gia, có khu dịch vụ hỗ trợ cho người nông dân. Từ những cụm đó kết nối trung tâm thị trường lớn.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy nông dân trở thành thương nhân, tự quảng bá sản phẩm của mình, kết nối với người thu mua qua các nền tảng công nghệ. Đây là một trong những yếu tố cần đẩy mạnh để nông nghiệp giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.