Nan giải lực hút vốn nông nghiệp công nghệ cao
NHNN sẽ tích cực phối hợp thúc đẩy triển khai tín dụng NNCNC | |
Chắp cánh nông nghiệp công nghệ cao | |
Nâng cánh cho nông nghiệp công nghệ cao |
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Nghị quyết phiên họp tháng 2/2017 của Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho từng ngành với thời gian cụ thể nhằm nhanh chóng tạo môi trường, cơ chế hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư. 100.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cũng đã được cam kết dành cho lĩnh vực này. Tại Hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh về việc phải có tầm nhìn để xây dựng khu vực này từ vựa lúa trở thành khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Có thể thấy, để đạt mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một trong những điều kiện đặt ra là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên phát triển với những cơ chế, chính sách là một chuyện, thực tế còn khá nhiều trở ngại trong quá trình thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như nguồn lực, thị trường...
Muốn có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao, NH và DN phải tìm được tiếng nói chung |
Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, chắc chắn phải cần có vốn, thậm chí là vốn lớn. Nhưng các DN hầu hết là DN nhỏ và hộ nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư. Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân TW thì “nông nghiệp công nghệ cao cần quy mô lớn, giá trị cao, cho vay lĩnh vực này đang gặp nhiều rào cản về tài sản bảo đảm, hạn điền đất đai, chính sách bảo hiểm nông nghiệp… Đặc thù sản xuất kinh doanh nông nghiệp có thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao do phụ thuộc lớn vào thiên nhiên, thị trường, cạnh tranh hội nhập… Trong khi đó DNNVV, hộ nông dân phần lớn hạn chế về năng lực ngay từ việc lập phương án hay dự án để vay vốn NH và tổ chức sản xuất kinh doanh”.
Đồng tình với nhận định trên, một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, lâu nay vấn đề bảo hiểm sản xuất nông nghiệp dường như chưa được áp dụng thực sự. Trong khi đây là một trong những yếu tố khá quan trọng để giảm bớt gánh nặng rủi ro cho cả DN và người dân. Chia sẻ sâu thêm, vị này nhận thấy: để DN tiếp cận được nguồn vốn vay NH có ưu đãi lãi suất khó ở chỗ điều kiện để DN đạt được chứng nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tương đối khắt khe. Chỉ đơn cử như việc để đạt được giấy chứng nhận này, các sản phẩm của DN sản xuất ra sẽ phải thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao. Trong khi thực tế, rất nhiều sản phẩm công nghệ cao lại chưa được cập nhật.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhóm tác giả TS. Nguyễn Anh Phong, ThS. Phạm Thị Thu Hà, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ ra rằng đối với tài sản đảm bảo để vay vốn hiện tại vẫn chỉ là đất đai. Trong khi đó, tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là rất lớn, thậm chí ở nhiều dự án, giá trị của tài sản hình thành trên đất còn cao hơn giá trị mảnh đất. Dẫn tới việc vốn vay từ tài sản bảo đảm là đất đai chưa tương xứng với nhu cầu đầu tư thực sự của DN.
Chuyên gia cũng cho rằng, để tháo gỡ dần những vướng mắc trong quá trình triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp cho dòng vốn chảy vào lĩnh vực này phát huy đúng giá trị thì nên xem xét mở rộng các loại tài sản được thế chấp vay vốn. Nghiên cứu định giá với các tài sản hình thành trên đất phục vụ cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “Nhưng sâu xa hơn, để vay được vốn, thì DN phải cho NH nhìn thấy được khả năng thu hồi vốn. Khâu sản xuất sản phẩm cũng như phân phối phải được xây dựng và kết nối thống nhất. Bài toán đầu ra là vấn đề cốt lõi. Đây là đòi hỏi về việc hình thành và nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Nếu vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ thì sẽ không bao giờ với tới được nông nghiệp công nghệ cao thực sự”, vị này cho hay.
Trao đổi với phóng viên lãnh đạo một DN đang triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, ông này bày tỏ: các NHTM thiết nghĩ nên có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý nhà nước để giúp cho người dân, DN hiểu thấu đáo về kiến thức tài chính, có những tính toán hợp lý khi có nhu cầu vay vốn NH để sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất. Thêm nữa, đầu tư vào nông nghiệp thực tế rất dễ rủi ro: thiên tai, dịch bệnh, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”… luôn là những vấn đề trăn trở thật khó có lời giải. Song dưới góc độ một DN, vị này cho rằng NH nên đẩy mạnh cho vay qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn. Bởi điều này cũng giúp hạn chế phần nào rủi ro trả nợ cho NH khi dòng vốn đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng tín dụng.