Chắp cánh nông nghiệp công nghệ cao
Gần 28.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao | |
Hướng đi nào cho gói tín dụng công nghệ cao | |
Nâng cánh cho nông nghiệp công nghệ cao |
Dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) hiện đạt 27.737 tỷ đồng với nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, để thực sự thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, việc tiếp cận nguồn vốn, đánh giá và dự báo thị trường... vẫn đang là những điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Đó cũng là những trăn trở được các đại biểu bàn luận sôi nổi tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” do TW Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức ngày 4/7 tại Hà Nội. Thời báo Ngân hàng trích đăng một số ý kiến trao đổi tại hội thảo.
Ông Lại Xuân Môn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Xác định rõ quy định về lãi suất, điều kiện vay vốn
Chính phủ chủ trương cho triển khai chương trình tín dụng cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC và việc 8 NHTM đồng tình ủng hộ dành số tiền hơn 100 ngàn tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với các chương trình tín dụng khác đã đem đến nhiều hy vọng cho DN, người dân làm nông nghiệp CNC nhằm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.
Đây là chương trình không có sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc cho vay phải đảm bảo đúng các quy định về tín dụng thương mại. Vì vậy, việc DN, người dân tiếp cận với nguồn vốn này để khởi nghiệp, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC và việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích sẽ mang lại hiệu quả cho cả phía NH, DN và người dân.
“Nông nghiệp sạch - Cho người Việt Nam, cho thế giới” |
Một trong những vấn đề cần quan tâm là phần lớn DN nông nghiệp là loại hình nhỏ và vừa. Câu hỏi đặt ra là việc tiếp cận nguồn vốn đã thực sự thuận lợi cho khách hàng chưa? Các tiêu chí và điều kiện cho vay đã phù hợp?... Việc này đòi hỏi phải làm rõ các khái niệm trong các nghị định, quyết định gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng như đối tượng được cho vay, ưu đãi, thủ tục vay vốn NH… cũng như vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc khơi thông dòng chảy gói tín dụng này.
Đối với các NHTM, cần phải xác định chi tiết quy định về lãi suất cho vay, tài sản bảo đảm, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới đối với các khách hàng có khó khăn trong việc trả nợ do nguyên nhân khách quan; quy định chuyển tiếp đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày Quyết định số 813 có hiệu lực…
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN): NH - DN là đối tác cùng phát triển
Gói tín dụng nông nghiệp CNC kêu gọi NH sử dụng nguồn vốn thương mại, tiết giảm chi phí để nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo cho DN vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5-1,5%/năm so với các chương trình tín dụng thông thường. Đến nay, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch đạt gần 32.339 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC là 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ.
Để triển khai nông nghiệp ứng dụng CNC không phải chỉ chuyện một sớm một chiều. DN cũng phải đáp ứng được điều kiện về phương án, dự án có hiệu quả, xác định được thị trường tiêu thụ. Về phía ngành NH, thời gian qua thực sự đã có sự cải tổ, việc tiếp cận vốn của DN với NH có sự chuyển biến rõ nét. NH - DN không phải quan hệ xin - vay, mà là đối tác hợp tác cùng phát triển. Ngành Ngân hàng luôn luôn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ cùng với DN, đặc biệt đối với DN ứng dụng CNC.
Với vấn đề lãi suất, gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng có thể sau này sẽ lên một con số lớn hơn nhưng phải khẳng định rằng đây là vốn của NHTM kinh doanh theo thị trường. NH huy động vốn từ người dân để cho vay, DN được vay với mức lãi suất thấp hơn mức lãi vay thông thường, đồng nghĩa với việc NH đã phải giảm một phần lợi nhuận, tiết giảm chi phí để hỗ trợ cho DN ứng dụng CNC vay vốn... Thời hạn cho vay trong lĩnh vực này khá dài, cộng thêm việc duy trì mức lãi suất ưu đãi như hiện nay đã là sự cố gắng rất lớn từ phía các NHTM.
Rất khó để các NH đưa ra mức ưu đãi hơn nữa, bởi nếu như vậy bản thân các NH cũng khó để đảm bảo duy trì hoạt động. Thêm nữa, các dự án ứng dụng CNC phải làm sao để tạo hiệu quả từ khâu chọn giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ, chế biến cũng như tiêu thụ, phải trở thành quy trình cho vay khép kín. Các NH cũng đang tập trung tìm những DN như vậy để cho vay. Một DN lớn có thể bao gồm hàng chục, hàng trăm DN con, đây cũng là điều kiện để tạo cơ sở cho NH cho vay. Và khi đã cho vay theo chuỗi, chắc chắn sẽ tiết giảm chi phí của NH, đó cũng là cơ hội để giảm lãi suất cho DN.
Một khó khăn cần tháo gỡ nằm ở vấn đề tài sản bảo đảm. Khi người nông dân, DN xây dựng nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiêu... trên đất nông nghiệp nhưng lại không được xác nhận đăng ký giao dịch đảm bảo. NHNN cũng đã có văn bản trình Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp đề nghị xem xét tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng CNC được coi đó là tài sản bảo đảm, làm cơ sở để NH giải ngân.
Ông Nguyễn Văn Nhất, Phó Trưởng ban Tín dụng (Agribank): Phát triển phải phù hợp điều kiện, thổ nhưỡng
Agribank có hai định hướng xuyên suốt tập trung trong thời gian tới. Đó là tiếp tục đồng hành cùng chương trình “Nông nghiệp sạch - Cho người Việt Nam, cho thế giới” hỗ trợ, tuyên truyền, quảng bá nông sản Việt đến với người tiêu dùng đồng thời tổ chức quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến người dân gói tín dụng cho vay ưu đãi của ngân hàng. Bên cạnh đó, Agribank sẽ tiếp tục triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC.
Để nông nghiệp CNC thực sự phát huy hiệu quả, Chính phủ cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Hỗ trợ vốn cho nông nghiệp cần có sự đổi mới trong chính sách hỗ trợ, tập trung đưa ra chính sách để giảm thiểu rủi ro và chi phí cho NHTM khi thực hiện cho vay lĩnh vực nông nghiệp, trường hợp cần thiết có thể hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Thêm nữa, để chính sách tín dụng phát huy hiệu quả với sản xuất nông nghiệp, tổ chức triển khai đồng bộ trên diện rộng, không chỉ ở một xã, một dự án mà phải trên cơ sở xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng vùng. Cần mạnh dạn dồn điền đổi thửa, cho phép tích tụ ruộng đất lớn để đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, tránh tình trạng sản xuất manh mún, hiệu quả không cao. Tổng kết, nhân rộng mô hình thí điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp quan trọng cần tiến hành khẩn trương làm cơ sở xây dựng mô hình cho phát triển nông nghiệp phù hợp với thực tế Việt Nam. Đó cũng chính là giải pháp giảm thiểu rủi ro cho hoạt động cho vay của các NHTM.
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư kết nối xanh: Sử dụng công nghệ làm nền tảng tạo thị trường
Nông nghiệp CNC là một phương thức sản xuất chứ không phải mô hình kinh tế, nó phải gắn liền với chuỗi giá trị mới gọi là nông nghiệp CNC. Vậy nên, nông nghiệp CNC đầu tư tới 3.000 - 4.000 tỷ đồng mà không có thị trường sẽ trở thành gánh nặng cho các NH, DN và nhà đầu tư.
Tại nhà máy Lavifood (Tây Ninh), chuỗi liên kết giá trị được xây dựng tương đối nhanh. Chúng tôi sở hữu toàn chuỗi giá trị, nhà máy của tôi cộng với 4 nhà máy phân bón, 4 nhà máy vật tư nông nghiệp, 1 nhà máy logistic và 20.000 nông dân tham gia. Nếu tôi có hợp đồng, các nhà máy phân bón, vật tư nông nghiệp sẽ có thị trường, như vậy nông dân sẽ có việc làm, nhà đầu tư, NH cũng sẽ được hưởng lợi.
Đằng sau mỗi chuỗi giá trị là hệ thống logistic, đưa được nông sản Việt Nam ra thế giới hay không là logistic. Chúng ta không thể đưa xoài lên máy bay mang đi xuất khẩu vì chi phí sẽ rất lớn. Nhưng nếu xoài được đông lạnh, cô đặc rồi đưa đi xuất khẩu sẽ giảm được rất nhiều chi phí. Vì vậy, quyết định đưa nông sản Việt ra thế giới hay không là logistic. Phải sử dụng công nghệ để làm nền tảng tạo thị trường chứ không đơn thuần chỉ là làm thị trường, tạo thị trường.