Nâng cao thu nhập qua chuỗi giá trị OCOP
Theo đó, chuỗi giá trị liên kết của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức với quy mô vùng nguyên liệu hơn 600 ha, 3 sản phẩm ca cao chế biến được chứng nhận OCOP 4 sao và đã được xuất khẩu sang Nhật Bản; chuỗi liên kết của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng với quy mô liên kết hơn 240 ha, 2 sản phẩm sầu riêng múi đông lạnh đạt chứng nhận 4 sao đã xuất khẩu sang nhiều thị trường và đang kết nối vào thị trường EU; chuỗi liên kết của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Trường Phát với diện tích 70 ha trồng sen, có 13 sản phẩm OCOP từ sen đạt 3, 4 sao; Hợp tác xã An Hòa Hưng liên kết 20 nông hộ cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến Cao An Xoa…
Thu nhập của các bên tham gia liên kết sản phẩm OCOP là sầu riêng ở Đồng Nai được nâng cao khi sản phẩm xuất khẩu chính ngạch |
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã thực hiện xây dựng Chương trình OCOP trên nền tảng tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, đồng thời được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (theo Quyết định số 993/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 về ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2025), như: Lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, rau quả, khoai mì, thịt heo, thịt và trứng gia cầm, tôm (tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng), gỗ và sản phẩm từ gỗ, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.
Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị giá tăng đối với một số sản phẩm là đặc sản của địa phương, như: bưởi đường lá cam Tân Triều; chôm chôm Long Khánh; sầu riêng Xuân Định, Phú An; xoài Suối Lớn, Phú Lý; tiêu Lâm San; bơ Xuân Bảo, Bảo Bình; mãng cầu na trái to hạt lép ở xã Phú Ngọc; trà Phú Hội; nấm Bảo Quang; tôm càng xanh Trà Cổ; tôm thẻ Phước An, Vĩnh Thanh; trứng vịt Nhơn Trạch; heo đen xã Tà Lài, Nam Cát Tiên; gà thảo mộc Định Quán; sản phẩm chế biến từ sữa bò Long Thành; Hươu, nai xã Hiếu Liêm… đồng thời tiếp tục rà soát, nghiên cứu, triển khai các giải pháp để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm đối với các sản phẩm đặc sản địa phương.
Với lợi thế về sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua một số doanh nghiệp, hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp. Du khách sẽ được trải nghiệm cách trồng và chăm sóc cây ca cao, tìm hiểu quy trình sản xuất sô cô la, rượu ca cao, mua sắm các sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu ca cao thông qua điểm du lịch Ca cao Trọng Đức (Định Quán), gắn với tuyến khu du lịch Suối Mơ - Vườn Quốc Gia Cát Tiên; mô hình du lịch gắn với vườn trái cây tại thành phố Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ, huyện Xuân Lộc giúp du khách trải nghiệm, thưởng thức những trái cây đặc trưng chôm chôm, sầu Riêng, ổi, măng cụt...
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 153 sản phẩm OCOP được công nhận, gồm 53 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao của 78 chủ thể, trong đó có 26 chủ thể là doanh nghiệp, 21 hợp tác xã, tổ hợp tác và 31 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Một số sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp.
“Chương trình OCOP theo hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy tổ chức và đảm bảo giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn, nhân rộng mô hình các hộ đã làm du lịch cộng đồng mang tính hạt nhân, kết hợp giữa phát triển du lịch gắn với phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc”, ông Thắng cho biết.