Nâng cao vai trò của Bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời
Theo chia sẻ của ông Phạm Bảo Lâm, trong suốt 24 năm hình thành và phát triển, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ chính như: Cấp và thu hồi chứng nhận bảo hiểm tiền gửi; giám sát, kiểm tra, thu phí, đầu tư nguồn vốn; tham gia kiểm soát đặc biệt, chi trả, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Ông Phạm Bảo Lâm – Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trong đó bao gồm 35 NHTM Việt Nam, 02 ngân hàng liên doanh, 09 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài), 1.179 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô.
Ngoài ra, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng rất chú trọng đến các hoạt động hợp tác quốc tế như tăng cường hợp tác song phương với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tham gia tích cực các hội nghị, hội thảo, diễn đàn đa phương, các hoạt động nghiên cứu chung của IADI, APRC…
Toàn cảnh Hội thảo |
Về vai trò của Bảo hiểm tiền gửi trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời rủi ro đối với hoạt động của ngân hàng, ông Lâm cho biết, Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Trong đó bao gồm việc phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hidenori Mitsui – Chủ tịch Ủy ban APRC, Chủ tịch Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản cũng nhận định, qua một số sự việc đổ vỡ một số ngân hàng trên thế giới xảy ra trong thời gian qua, càng thấy rõ được vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Thông qua hoạt động này, trong trường hợp một ngân hàng đổ vỡ, sẽ có thể giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất. Đây là cách làm để giải quyết khủng hoảng tốt hơn. Thực tế, có nhiều phương pháp để có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các rủi ro trong hoạt động ngân hàng, trong đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, đó là giải pháp mấu chốt để đảm bảo hệ thống tài chính hoạt động ổn định.
Các diễn giả tham luận tại Hội thảo |
Cũng nhấn mạnh của vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong việc đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định của các ngân hàng, TS. JaeHoon Yoo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc cho rằng, vai trò của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi rất quan trọng bởi lẽ. Cơ quan bảo hiểm tiền gửi có vai trò quản lý quỹ bảo hiểm tiền gửi, nếu ngân hàng có vấn đề sụp đổ thì quỹ này sẽ tổn thất. Vì vậy, để có thể hạn chế tối đa thiệt hại của quỹ thì các tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải chủ động, tích cực, có đủ quyền để có thể bảo vệ các ngân hàng, tránh các tổ chức này gặp khó khăn và sụp đổ. "Do đó, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải hợp tác chặt chẽ với NHTW và cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng để giữ sự ổn định của nền tài chính", TS. JaeHoon Yoo lưu ý.
Chia sẻ về kinh nghiệm tại Hàn Quốc, ông JaeHoon Yoo cho biết, khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 xảy ra, việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời chưa được thực hiện. Khi đó, Hàn Quốc phải nhờ vào quỹ công và vốn nước ngoài để tái cấu trúc và ổn định tài chính. Sau năm 1997, Hàn Quốc đã đưa các nguyên tắc kỷ luật, nhiệm vụ rõ ràng hơn cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Vì vậy, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra, quốc gia này cũng đã tránh được khủng hoảng sâu rộng, mặc dù cũng không tránh được những khủng hoảng cấp độ trong nước, địa phương…
Ông JaeHoon Yoo đánh giá, cơ quan bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng đã hoạt động chuyên nghiệp, có những nhiệm vụ, chế tài rõ ràng từ Chính phủ. Nhưng nếu so sánh với bảo hiểm tiền gửi ở một số nước khác như Mỹ, Hàn Quốc… thì vẫn còn dư địa để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mở rộng khả năng của mình, đảm bảo tính ổn định của thị trường tài chính, toàn bộ thị trường tài chính Việt Nam.
Bởi lẽ, theo khảo sát thường niên IADI 2022, hiện có 25% các quốc gia chi trả quyền lợi bảo hiểm tiền gửi theo phương pháp đơn thuần, 46% chi trả với quyền hạn mở rộng thông qua phương pháp xử lý, 17% chi trả theo phương pháp giảm thiểu chi phí với phương pháp xử lý theo nguyên tắc chi phí tối thiểu, và số quốc gia thực hiện cấp độ cao nhất là giảm thiểu rủi ro theo phương pháp quản lý và giám sát rủi ro chiếm 13%. Hiện Việt Nam đang nằm ở nhóm 46%, đã nâng lên một bước mới nhưng vẫn còn một chặng đường dài để tới nhóm hiện đại như Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Mexico…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 03 nhóm nội dung đó là: Tổng quan về phát hiện sớm và can thiệp kịp thời; vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời; sự phối hợp giữa cơ quan giám sát và tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Thông qua thảo luận và những chia sẻ kinh nghiệm trên cơ sở các nội dung thảo luận trên, Hội thảo gợi mở thêm nhiều khía cạnh mới của vấn đề cùng các định hướng, giải pháp đáng chú ý nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi nói chung và tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời tổ chức tín dụng yếu kém nói riêng.