Ngành tài chính - ngân hàng trước cơ hội bùng nổ tăng trưởng
Để làm rõ những tác động của Chiến lược blockchain quốc gia đối với các ngành kinh tế- xã hội nói chung và ngành tài chính - ngân hàng nói riêng, Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội blockchain Việt Nam.
Chúc mừng ông và Hiệp hội blockchain Việt Nam (VBA) khi là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất được giao nhiệm vụ trực tiếp trong Chiến lược blockchain quốc gia. Xin ông hãy chia sẻ suy nghĩ về nhiệm vụ này nói riêng và Chiến lược nói chung?
Trước hết, tôi xin khẳng định rằng Chiến lược blockchain quốc gia là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy công nghệ blockchain tại Việt Nam.
Từ góc độ chính sách, Chiến lược này không chỉ mang lại một định hướng cụ thể cho sự phát triển ứng dụng công nghệ blockchain, mà nó còn định hình khung pháp lý cho tương lai. Đây là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong một môi trường an toàn, minh bạch, đồng thời tạo điều kiện phát huy những sáng kiến đổi mới, giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập với xu thế công nghệ toàn cầu.
Song song với Chiến lược blockchain quốc gia, dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số đang được xây dựng, dự kiến sẽ được Quốc hội phê chuẩn vào tháng 5/2025. Đây sẽ là những nền tảng pháp lý ban đầu vững chắc để thúc đẩy ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain còn non trẻ, giảm thiểu các rủi ro pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.
Về mặt tác động thực tế, Chiến lược này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Việt Nam, mở rộng hệ sinh thái ứng dụng công nghệ blockchain và phát triển các mô hình kinh doanh mới. Với nền tảng pháp lý đồng bộ và sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ, blockchain sẽ sớm được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực quan trọng như tài chính, logistics, nông nghiệp, và quản lý dữ liệu, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tôi tin rằng, những bước đi này sẽ tạo động lực lớn cho ngành công nghiệp blockchain Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.
Việc VBA là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất được giao nhiệm vụ đích danh trong Chiến lược blockchain quốc gia là một vinh dự tự hào, đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn lao. Điều này cho thấy, Chính phủ tin tưởng vào vai trò của VBA trong việc kết nối, dẫn dắt và thúc đẩy cộng đồng blockchain trong nước, góp phần xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn cho ngành.
Tôi tin rằng, với sự ủng hộ của Chính phủ và cộng đồng, VBA sẽ góp phần tích cực vào sự thành công của Chiến lược blockchain quốc gia, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho các dự án blockchain trong khu vực và trên thế giới.
Chiến lược blockchain quốc gia đề ra 5 mục tiêu lớn và nhiều hành động để thực hiện các mục tiêu đó. Ông nhận định đâu là điểm nổi bật có thể tạo ra sự khác biệt và sức bật cho ngành blockchain Việt Nam?
Theo tôi, trong 5 mục tiêu lớn của Chiến lược blockchain quốc gia, điểm nổi bật nhất là xây dựng khung pháp lý đồng bộ và tiên tiến cho công nghệ blockchain. Đây là yếu tố then chốt giúp Việt Nam tạo ra sự khác biệt và sức bật mạnh mẽ so với các quốc gia khác trong khu vực, giúp giảm thiểu rủi ro, bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư an tâm hoạt động, từ đó thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, đây cũng sẽ là hành động cần thiết để góp phần đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trước thời hạn (tháng 5/2025) như cam kết của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chiến lược còn nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số và nhân lực công nghệ blockchain, mở ra cơ hội cho sự ứng dụng rộng rãi của blockchain trong các ngành như tài chính, logistics, nông nghiệp và quản lý dữ liệu, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa các quy trình kinh doanh truyền thống.
Tuy nhiên, từ chính sách đến thực thi, đặc biệt với một lĩnh vực mới như blockchain, thường có độ trễ nhất định từ 3 - 5 năm, bởi bên cạnh khung pháp lý đồng bộ, chúng ta còn cần thời gian thiết lập cơ sở hạ tầng và cơ chế thử nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cho đông đảo cộng đồng.
“Sự phát triển của công nghệ blockchain có thể trở thành động lực thúc đẩy ngành Ngân hàng Việt Nam tăng trưởng bùng nổ theo xu hướng số hóa toàn cầu, nhưng cũng đặt ra thách thức về phát triển cơ sở hạ tầng và cạnh tranh gay gắt với nhóm các công ty fintech mới”, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội blockchain Việt Nam. |
Blockchain sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ đối với nền kinh tế nói chung. Vậy còn đối với riêng ngành tài chính - ngân hàng, theo ông, sự phát triển của công nghệ này sẽ tác động như thế nào?
Blockchain đang được ứng dụng mạnh mẽ trong ngành Ngân hàng trên toàn thế giới. Cụ thể tại Việt Nam, một số ngân hàng đã công bố ứng dụng công nghệ blockchain trong giao dịch tài chính như VietinBank, Vietcombank, MB Bank, VPBank, HDBank... Trên thế giới, các tên tuổi lớn như HSBC, Standard Chartered, JP Morgan... đều đã tham gia sâu vào cuộc đua ứng dụng công nghệ blockchain từ lâu.
Trong tương lai gần, sự phát triển của công nghệ blockchain sẽ có tác động sâu rộng, đa chiều, thậm chí có thể coi là động lực thúc đẩy ngành Ngân hàng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và phù hợp với xu hướng số hóa toàn cầu.
Điều này được thể hiện qua những khía cạnh:
Thứ nhất, với tính năng không thể sửa đổi sẽ giúp ngân hàng nâng cao tính minh bạch và bảo mật trong giao dịch, giúp giảm thiểu rủi ro gian lận, bảo vệ quyền lợi của khách hàng và tăng cường lòng tin vào các dịch vụ tài chính.
Thứ hai, đẩy mạnh tự động hóa các quy trình thông qua hợp đồng thông minh (smart contracts), giúp ngân hàng rút ngắn quy trình xử lý và giảm thiểu chi phí vận hành nhờ việc tối ưu các bước kiểm duyệt trung gian.
Thứ ba, giúp cải thiện dịch vụ thanh toán quốc tế về cả thời gian, chi phí và mở ra cơ hội tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho những đối tượng có nhiều hạn chế.
Thứ tư, giảm chi phí tuân thủ và quản lý rủi ro nhờ khả năng lưu trữ và theo dõi giao dịch một cách minh bạch, dễ dàng kiểm tra, tăng tính chính xác trong việc quản lý tài sản và hồ sơ khách hàng.
Thứ năm, mở rộng các dịch vụ tài chính phi tập trung (DeFi), cho phép người dùng vay, cho vay và thực hiện các giao dịch tài chính mà không cần qua trung gian truyền thống. Điều này cũng khiến các ngân hàng phải điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường, đồng thời tận dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ tương tự để cạnh tranh với các công ty fintech và các mô hình Defi dựa trên blockchain đang ngày càng lớn mạnh.
Tuy nhiên, để tận dụng những cơ hội này, nành tài chính - ngân hàng phải đối mặt với thách thức là giải cùng lúc nhiều bài toán khó như đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhằm đảm bảo tính ổn định và an toàn, bảo mật dữ liệu trong quá trình chuyển đổi.
Ứng dụng blockchain trong các ngành tài chính - ngân hàng đang trở thành xu thế không thể đảo ngược. Đơn cử như báo cáo của Boston Consulting Group cho thấy, khoảng 16.000 tỷ USD, tương đương 10% tổng GDP toàn cầu sẽ được hiện diện ở dạng RWA - Tài sản thực được token hoá trên các mạng blockchain vào năm 2030. Standard Chartered thậm chí còn đưa ra những con số dự báo lên tới 30.000 tỷ USD vào năm 2034, cho thấy mức độ quan tâm đối với lĩnh vực tài chính mới này là vô cùng lớn.
Chính vì vậy, tôi cho rằng Chiến lược blockchain quốc gia là một cơ hội, nhưng cũng đồng thời là một lời nhắc nhở các tổ chức tài chính - ngân hàng Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ và sự quyết liệt để tham gia vào thế giới tài chính đang rất sôi động này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chiến lược blockchain quốc gia đề ra 5 mục tiêu đến 2030: - Củng cố và mở rộng Hạ tầng chuỗi khối quốc gia cung cấp dịch vụ cả trong và ngoài nước; Ban hành tiêu chuẩn về ứng dụng và phát triển chuỗi khối tại Việt Nam. - Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển chuỗi khối. - Xây dựng được 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực. - Duy trì vận hành tối thiểu 03 trung tâm/đặc khu thử nghiệm về công nghệ chuỗi khối tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia về chuỗi khối. - Có đại diện nằm trong Bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á. |