Ngân hàng dẫn đầu mua lại trái phiếu
Khi ngân hàng tăng phát hành trái phiếu Thông tư 03 gỡ khó dòng tiền cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp Tạo động lực phục hồi tăng trưởng từ trái phiếu doanh nghiệp |
Cụ thể, trong tháng 8 có 10 đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng với giá trị phát hành hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 56%. Đáng chú ý, ACB có 3 đợt phát hành với tổng giá trị 6.500 tỷ đồng; OCB phát hành 2.000 tỷ đồng; MSB phát hành 1.000 tỷ đồng; BacABank phát hành 800 tỷ đồng; BIDV phát hành 700 tỷ đồng…
Các doanh nghiệp BĐS cũng tăng phát hành trái phiếu trở lại. Ngày 25/8, Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt phát hành thành công 4.100 tỷ đồng trái phiếu; CTCP Phú Thọ Land cũng phát hành thành công 1.900 tỷ đồng trái phiếu. Như vậy, trong tháng 8 (tính đến 25/8), các doanh nghiệp BĐS phát hành hơn 8.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, chiếm tỷ trọng hơn 38,4% tổng giá trị phát hành.
Phát hành TPDN tháng 8 tăng mạnh so với tháng 7 nhờ các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại |
Theo dữ liệu mới công bố của Hiệp hội thị trường trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến 11/8 đạt 145.267 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 53% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 76.968 tỷ đồng).
Về trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 127.816 tỷ đồng. 49% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với gần 62.657 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 24.910 tỷ đồng (chiếm 19,5%). Từ đầu năm đến nay, khi mặt bằng lãi suất giảm, nhiều ngân hàng đã tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn của các lô đã phát hành trong năm 2020 - 2022.
Hiện tại, một số doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu. Cụ thể, HĐQT Vingroup đã thông qua phương án phát hành ra công chúng 5 lô trái phiếu có tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và xác lập nghĩa vụ nợ trực tiếp với Vingroup.
HĐQT HDBank đã thông qua phương án phát hành ra công chúng tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu được phát hành nhằm mục đích bổ sung vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn và phục vụ nhu cầu vay của khách hàng.
Báo cáo từ CTCK MB (MBS) cho biết tăng trưởng tín dụng thấp thể hiện nhu cầu vay vốn không cao trong khi thanh khoản trong hệ thống dồi dào. Tình trạng tiền dư tồn đọng xảy ra khiến các ngân hàng dịch chuyển dòng tiền vào việc mua lại trái phiếu để tối ưu hiệu quả sử dụng vốn, làm giảm mức độ thừa vốn.