Ngân hàng đấu tranh với tài khoản rác
Lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng cùng tang vật thực hiện hành vi mua bán, trao đổi trái phép tài khoản ngân hàng (Ảnh: Công an tỉnh Hải Dương) |
3 nguyên nhân khiến tài khoản rác "lộng hành"
Là người từng có nhiều năm công tác trong lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu về tội phạm khẳng định, không có đối tượng lừa đảo nào sử dụng số điện thoại hoặc số tài khoản chính chủ để thực hiện hành vi phạm tội.
Nhiều người, bao gồm sinh viên, vì điều kiện kinh tế khó khăn mà sẵn sàng mua sim rác và cầm chứng minh nhân dân/căn cước công dân đến ngân hàng để mở nhiều tài khoản đứng tên mình. Sau khi có các số tài khoản, người sở hữu sẽ rao bán cùng với số sim rác. Các đối tượng tội phạm sẽ lập tức thu mua về để sử dụng cho những hành vi phạm pháp.
Mới đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Hoàng Văn Nghĩa (sinh năm 1989) về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”. Theo điều tra, từ khi bắt đầu cho thuê tài khoản cho đến nay, đối tượng này đã thuê, thu mua trên 50 tài khoản của những người thân quen sinh sống tại Cao Bằng, Bắc Kạn và sử dụng trên 100 tài khoản khác nhau. Sau khi trừ tiền thuê tài khoản, hàng tháng Nghĩa hưởng lợi từ 60 - 70 triệu đồng/tháng. Bước đầu Công an xác định từ tháng 11/2022 đến tháng 4/2023 số tiền chuyển qua các tài khoản này là hơn 978 tỷ đồng.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn tới sự việc như trên. Thứ nhất, việc sử dụng chứng minh nhân dân chữ số trước đây có thể bị giả tạo một cách khá dễ dàng và với con mắt thường của các giao dịch viên rất khó phát hiện ra. Thứ hai, lợi dụng những người vùng sâu vùng xa không hiểu biết về pháp luật có những kẻ xấu thuê họ mở tài khoản. Đây là những tài khoản được mở bằng giấy tờ tuỳ thân hợp lệ và chính chủ, tuy nhiên được bán lại cho kẻ gian để sử dụng vào việc lừa đảo. Thứ ba là dữ liệu ngân hàng cũng không được khách hàng chủ động cập nhập.
Ngân hàng - công an cùng vào cuộc
Với vai trò và trách nhiệm của mình, ngành Ngân hàng cũng đang triển khai nhiều giải pháp để "vô hiệu hóa" những tài khoản rác. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với mục tiêu là trong tháng 6 sẽ hoàn thành việc đối chiếu để làm sạch hơn 51 triệu tài khoản. Chia sẻ về kế hoạch này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng thông tin, NHNN ưu tiên làm sạch dữ liệu đối với khoảng 25 triệu khách hàng đang có dư nợ tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Cùng với sự phối hợp của Bộ Công an, NHNN hoàn toàn có thể đạt được tiến độ đặt ra là đến tháng 6/2023.
Ông Trần Công Quỳnh Lân cho rằng, với việc sử dụng tài nguyên dữ liệu quốc gia, ngành Ngân hàng có thể "dọn dẹp" những tài khoản rác, qua đó có thể ngăn ngừa tội phạm núp bóng dưới tài khoản được mua lại. Ngoài ra, việc ra đời căn cước công dân gắn chip cũng sẽ hạn chế được việc mở tài khoản trực tuyến bằng giấy tờ giả. Hiện hệ thống ngân hàng có thể đọc được thông tin từ chip một cách rất chính xác, sẽ không có vấn đề về việc dữ liệu không chính xác nữa.
Là một trong những đơn vị phối hợp trực tiếp với NHNN trong việc làm sạch dữ liệu cho khách hàng đảm bảo xác minh danh tính khách hàng, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, đơn vị này tham mưu Tổ Công tác triển khai đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội xem xét miễn giảm phí khai thác dịch vụ xác thực thông tin theo hướng phù hợp, đa dạng, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số với chi phí thấp nhất;
Bộ Công an cũng mong muốn phối hợp với các tổ chức ngân hàng xác minh thông tin công dân gắn với giấy tờ nghi ngờ giả mạo, lừa đảo thông qua đối sánh sinh trắc học, từ đó xác minh nhân thân, góp phần phòng ngừa rủi ro tài chính, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm; phối hợp với các tổ chức tín dụng, Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cung cấp dịch vụ tích xanh tài khoản (đây là các tài khoản được định danh chính xác danh tính công dân) để bảo hiểm cho các giao dịch đảm bảo...
Tuy nhiên, để xử lý triệt để tình trạng cho thuê, mượn hoặc đánh cắp thông tin căn cước công dân gắn chip để mở tài khoản rác, tài khoản ảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng, vấn đề đặt ra đối với các ngân hàng hiện nay là phải xác thực được đúng khách hàng qua các hình thức trực tuyến, trực tiếp tại quầy cũng như trên các kênh giao dịch. NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo, xác thực được người thực hiện giao dịch và chủ tài khoản để hạn chế vấn đề cho mượn hay cho thuê tài khoản.
Ngoài ra, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho rằng, cần quyết liệt hơn trong việc giải quyết sim không chính chủ để tạo điều kiện cho ngành Ngân hàng giải quyết triệt để nạn cho thuê, mua bán tài khoản. Một vấn đề khác là một sim điện thoại đang được đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng, do vậy cũng phải xác minh.
Nhìn nhận vấn đề sâu xa hơn, một chuyên gia cho rằng, trách nhiệm phát hiện và xử lý tài khoản rác không thuộc hoàn toàn về ngân hàng mà còn phụ thuộc vào nhiều phía. Mọi tài khoản ngân hàng đều chính chủ vì ngân hàng chỉ đồng ý mở tài khoản cho khách hàng cung cấp thông tin chính xác và được ngân hàng xác thực tại thời điểm đó. Còn việc từ tài khoản chính chủ biến thành tài khoản rác phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chấp hành quy định cách thức và mục đích sử dụng tài khoản phụ thuộc phần lớn vào ý thức của chủ tài khoản, ngân hàng không thể quản lý hết vấn đề này. Do đó, ngân hàng cũng rất cần sự chung tay của người dân và các đơn vị có liên quan để xử lý tình trạng này.
Còn đối với người dân, Luật sư Phạm Duy Hà, Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn PDH khuyến cáo, người dân tuyệt đối không thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán; không mua, bán thông tin tài khoản ngân hàng... vì đây là hành vi bất hợp pháp và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản cho người khác; cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản có thể là hình thức tiếp tay cho kẻ lừa đảo.