Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bằng nguồn lực nào?
TP.HCM: Tín dụng sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp | |
Nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp | |
Ngân hàng đã cố gắng hết sức hỗ trợ doanh nghiệp |
Hiện nay, một trong những mong chờ nhiều nhất là sự hỗ trợ của ngân hàng đối với doanh nghiệp. Vì lý do nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp dựa quá nhiều vào vốn vay ngân hàng, nên đây trở thành một khoản chi phí đáng kể trong giai đoạn khó khăn.
Các giải pháp cơ cấu, gia hạn nợ, miễn giảm lãi ngắn hạn, quá hạn,... hoàn toàn thuộc quyền chủ động của ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp (ảnh minh hoạ) |
Trên thực tế, ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng 3 nhóm chính sách, gồm:
Thứ nhất, hỗ trợ bằng giải pháp nghiệp vụ như gia hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, chưa chuyển sang nợ quá hạn, chưa chuyển sang nợ xấu, chưa phát mại tài sản thế chấp,…
Thứ hai, hỗ trợ bằng giải pháp tài chính như miễn, giảm lãi trong hạn, lãi quá hạn, phí dịch vụ, tiền phạt,…
Thứ ba, hỗ trợ bằng giải pháp tiếp ứng vốn như tiếp tục giải ngân cho vay, bảo lãnh, cấp tín dụng mới,…
Riêng hai giải pháp thứ hai và thứ ba, chủ yếu thuộc quyền chủ động của mình, nên các ngân hàng vẫn áp dụng từ trước đến nay, tùy thuộc vào tình hình khó khăn của doanh nghiệp và khả năng tài chính của ngân hàng. Còn giải pháp hỗ trợ thứ nhất bị ràng buộc theo quy định của pháp luật, nên cần phải có sự “bật đèn xanh”, sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Ngay từ đầu năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã rất nhanh chóng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 “Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19”. Hơn một năm sau, chính sách này đã được kịp thời sửa đổi theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021. Và mới đây nhất, đã tiếp tục được sửa đổi theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI |
Trong thời gian qua, rất nhiều tiếng nói của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và kể cả chuyên gia cho rằng, các ngân hàng lãi quá lớn, nhưng không chịu chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc vô cùng khó khăn. Theo tôi, cần nhìn nhận công bằng hơn với những vấn đề sau:
Một là, ngân hàng là một định chế an toàn, vững vàng hơn hẳn doanh nghiệp, trong khi vốn chủ sở hữu, dư nợ, dịch vụ đều tăng khá, nhưng tốc độ tăng thu nhập thấp hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm, chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/5 so với mấy năm gần đây.
Hai là, ngân hàng không phải là tận thu của doanh nghiệp mà lãi, với nhiều lý do như: Do đang trong chu kỳ tăng trưởng trở lại sau nhiều năm gặp khó khăn; Do thu dịch vụ tăng mạnh như thanh toán online, thu hoa hồng đại lý bảo hiểm; Do trong thu nhập có phần thu hoàn dự phòng (tức trước chi rồi, nay thu về); Và đặc biệt là do trong thu lãi có phần đáng kể lãi chỉ mới là dự thu, tức là thực chất chưa thu được;
Ba là, con số lãi lớn là số tuyệt đối, do quy mô rất lớn của ngân hàng, còn tỷ suất lợi nhuận bình quân của ngành không phải cao. Bên cạnh một số ngân hàng Top đầu, thì còn khá nhiều ngân hàng lãi thấp, thậm chí không có lãi.
Bốn là, trong khi hầu như không được hỗ trợ, nhưng ngân hàng đã hỗ trợ khá nhiều cho doanh nghiệp về giảm lãi suất, gia hạn, điều chỉnh thời hạn trả nợ, chưa chuyển sang nợ quá hạn, nợ xấu và tiếp tục cho vay mới suốt từ đầu năm 2020 đến nay.
Năm là, khó khăn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ dẫn đến việc ngân hàng phải gánh hậu quả tương tự, chỉ khác là luôn có độ trễ, khoảng 6 tháng đến một năm trở đi.
Như vậy, ngân hàng đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ, làm chỗ dựa cho doanh nghiệp trong cả một chặng đường dài rất khó khăn ở ngay phía trước, nhưng phải dựa vào nguồn lực tài chính của họ.
Tại Khoản 3, Mục II, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09-9-2021 của Chính phủ về “Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” đã đặt ra mục tiêu: Đến hết năm 2021 phấn đấu đạt một trong những mục tiêu cụ thể là “Luỹ kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh”. Cũng tại điểm h, Khoản 3, Mục II, Nghị quyết số 105/NQ-CP, đã đặt ra nhiệm vụ và giải pháp đối với Ngân hàng Nhà nước, trong đó có việc: “Khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh”.
Có thể nói, việc giảm lãi suất cho vay cũ và việc cho vay mới chủ yếu là do các tổ chức tín dụng, với tư cách là những doanh nghiệp, xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp khác, chứ không phải dựa vào nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.