Nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Để hỗ trợ lãi suất cho DNNVV phát huy hiệu quả | |
Ngành Ngân hàng với nhiều giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng |
TS.Châu Đình Linh |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 với nhiều chỉ đạo cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương; trong đó có NHNN. Theo đánh giá của chuyên gia ngân hàng TS. Châu Đình Linh, ngành Ngân hàng đã, đang và sẽ là một trong những ngành triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông đánh giá thế nào về những chính sách mà ngân hàng đã, đang triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp?
Dịch bệnh Covid đã tác động tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đến từng cá nhân đều phải chịu tác động. Trước khó khăn lớn như vậy, từ Chính phủ, đến các bộ, ngành, địa phương đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực cho từng chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp, khách hàng cá nhân… Nhưng xét trong tương quan các bộ, ngành, tôi đánh giá rất cao NHNN đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, thiết thực và trên tinh thần cầu thị.
Chẳng hạn Thông tư 14 vừa được NHNN ban hành là chính sách thể hiện tính cầu thị cao. Sau khi đánh giá sức khoẻ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân bị suy giảm nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh cần có lộ trình để phục hồi dần, nên tại Thông tư 14, NHNN đã cho phép TCTD kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ… đến tháng 6/2022 sẽ tháo gỡ khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp. Theo tôi, chỉ cần cơ cấu nợ cũng đã giúp người đi vay vơi đi nhiều gánh nặng.
Một chính sách rất hiệu quả nữa đó là NHNN điều hành công cụ lãi suất linh hoạt, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Sự quyết liệt, trách nhiệm của NHNN lan toả đến các NHTM triển khai nghiêm túc chính sách lãi suất. Đến thời điểm này, lãi suất cho vay đã giảm 1,55%/năm so với trước dịch. Chưa hết, 16 ngân hàng có quy mô lớn còn cam kết giảm 0,5-1%/năm trên dư nợ hiện hữu đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ 15/7/2021 đến hết năm. Theo số liệu cập nhất mới nhất của NHNN, chỉ sau hơn 1 tháng triển khai tổng số tiền lãi giảm gần 9 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 43% so với cam kết. Đây là con số rất ấn tượng cho thấy lãi suất cho vay giảm thực chất. Như vậy, đã có rất nhiều chủ thể vay nợ được giảm lãi suất, còn mức giảm nhiều hay ít tuỳ đối tượng khách hàng cũng như khả năng tài chính của ngân hàng.
Có thể nói, động thái tự nguyện giảm lãi suất cho vay là chia sẻ thiết thực nhất của các ngân hàng trong giai đoạn này, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội đồng hành và gỡ khó cho khách hàng.
Gần đây có ý kiến cho rằng, ngân hàng cần giảm mạnh lãi suất hơn nữa hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo ông, còn dư địa để các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay?
Dịch bệnh tác động toàn diện đến các lĩnh vực, nền kinh tế. Vì vậy, ở đây không phải chỉ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, mà ngân hàng cũng gặp khó. Về bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp và đang phải đối mặt với nhiều áp lực về doanh thu, chi phí tăng trích lập dự phòng, xử lý, kiểm soát nợ xấu… Mặc dù vậy, ngân hàng đã tích cực cắt giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận để có điều kiện đưa mặt bằng lãi suất về mức thấp so với nhiều năm trở lại đây. Có thể mức giảm trên đối với 1 khoản vay là không đáng kể. Nhưng nếu tính trên số dư hàng triệu tỷ đồng, con số chi phí cắt giảm lãi là rất lớn. Đây là thiệt thòi lớn của các ngân hàng. Giai đoạn khó khăn làm được như vậy rất đáng khích lệ, thể hiện trách nhiệm đối xã hội của ngân hàng.
Theo tôi, hiện tại giảm được phần nào tốt phần đó, giúp cho chủ thể trong nền kinh tế vơi đi phần nào gánh nặng chi phí.
Trong giai đoạn hậu dịch, theo ông ngân hàng có cần thêm giải pháp nào để hỗ trợ các chủ thể trong nền kinh tế?
Tôi cho rằng, NHNN có thể xây dựng gói hỗ trợ tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên hoặc lĩnh vực chịu tác động lớn bởi dịch bệnh Covid tương tự như gói tín dụng dành cho nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn trước đây. Qua đó vừa giúp các đối tượng khách hàng ưu tiên sớm hồi phục lại sản xuất kinh doanh, mà ngân hàng có thể sử dụng được hạn mức tín dụng vẫn còn nhiều dư địa khi thời gian còn lại của năm chỉ còn 3 tháng.
Song gói tín dụng này phải đảm bảo giám sát, nắn dòng tín dụng tới đúng địa chỉ là các lĩnh vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn cần được hỗ trợ, chứ không hỗ trợ mang tính cào bằng. Còn lãi suất cho vay sẽ cân đối đầu vào và đầu ra của các ngân hàng làm sao có mức ưu việt nhất so với lãi suất trên thị trường.
Tuy nhiên việc có thêm gói tín dụng hỗ trợ tăng trưởng hay không cần phải cân đối nhiều yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chưa kể tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới. Để giải quyết bài toán nhiều biến như vậy rất khó khăn, nên cơ quan điều hành sẽ phải thận trọng khi đưa ra quyết định.
Xin cảm ơn ông!