Ngân hàng hợp lực tài trợ chuỗi lúa gạo
Thúc đẩy năng lượng xanh từ lúa gạo | |
Tăng hạn mức cho vay lúa gạo | |
Ngân hàng vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo |
Ngân hàng tài trợ bao tiêu 2 triệu tấn lúa
Theo thông tin từ Tập đoàn Lộc Trời (LTG), trong tuần vừa qua cùng với việc thành lập hai doanh nghiệp thành viên là Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời và Công ty cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời, tập đoàn này đã chính thức được các ngân hàng trong và ngoài nước bao gồm: BIDV, VPBank, HDBank, HSBC, Mizuho, Kasikorn, Rock River Capital cam kết tài trợ vốn 12.000 tỷ đồng để ký kết các hợp đồng sản xuất, bao tiêu 2 triệu tấn lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong năm 2022.
Với nguồn vốn tài trợ từ các ngân hàng, Lộc Trời sẽ phân bổ cho các doanh nghiệp thành viên, đồng thời ký kết hợp tác với 6 doanh nghiệp cùng ngành bao gồm các công ty Hiệp Tài, Thạnh Hưng, Hợp Ngọc, Thiện Phát, Tam Lang và Hiếu Nhân ở khu vực ĐBSCL để sản xuất và thu mua, tiêu thụ 2 triệu tấn lúa trong năm nay. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp thuộc Tập đoàn Lộc Trời sẽ được phân bổ khoảng 6.000 tỷ đồng vốn tín dụng, các doanh nghiệp dịch vụ, thương mại sẽ được phân bổ khoảng 3.000 tỷ đồng vốn vay để vận hành chuỗi giá trị lúa gạo khép kín, liên kết với khoảng 100.000 ha vùng nguyên liệu và hàng chục nghìn nông hộ, hợp tác xã ở khu vực ĐBSCL.
Người dân tham gia các mô hình sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của DN được hỗ trợ vốn và bao tiêu, bao lợi nhuận |
Cách thức vận hành của dòng tiền sẽ đi từ ngân hàng đến thẳng các doanh nghiệp, đại lý vật tư và các cơ sở dịch vụ nông nghiệp để thanh toán chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lúa giống, vận tải cho hợp tác xã và nông hộ. Lộc Trời và các doanh nghiệp liên kết sẽ đảm bảo bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ; nông hộ và các hợp tác xã sẽ sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, được đảm bảo đủ vốn sản xuất cũng như kỹ thuật canh tác các loại lúa theo đơn đặt hàng. Nguồn tiền thu về từ bán lúa sẽ được doanh nghiệp trả lại các ngân hàng và thanh toán lợi nhuận cho nông dân, hợp tác xã thông qua tài khoản, khép kín một quy trình canh tác lúa đến thanh toán không dùng tiền mặt.
Địa phương và ngân hàng đánh giá cao
Đánh giá về việc các ngân hàng đồng loạt hợp tác với doanh nghiệp lớn để triển khai cho vay lúa gạo, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng đây là một trong những điểm sáng tích cực của ngành lúa gạo trong liên kết chuỗi giá trị 4 nhà (Nhà nước – Nhà băng – Doanh nghiệp và Nông dân).
Chẳng hạn tại An Giang, Lộc Trời đã hình thành được trên 12.000 ha sản xuất theo mô hình “3 bao” - bao trừ sâu bệnh, bao tiêu và bao lợi nhuận. Theo đó, hầu hết nông dân tại địa phương đều chọn giống lúa sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên lợi nhuận các mùa vụ gần đầy tăng tích cực. “Vì thế, tỉnh An Giang luôn khuyến khích các ngân hàng tham gia kết nối với các liên kết doanh nghiệp đầu tàu để hình thành các mô hình tương tự như Lộc Trời đang triển khai và có hiệu quả rất rõ rệt”, ông Bình cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thời báo Ngân hàng, không chỉ Lộc Trời mà hiện khá nhiều doanh nghiệp lúa gạo lớn cũng đang nhận được sự hỗ trợ tích cực của các ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn triển khai nhiều sản phẩm cho vay trực tiếp đến người nông dân.
Theo các thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm cuối năm 2021, các tổ chức tín dụng đã cung ứng khoảng 146.754 tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến xuất khẩu lúa gạo, tăng khoảng 12,94% so với cuối năm 2020. Riêng tại khu vực ĐBSCL, dư nợ ngành lúa gạo đạt 70.230 tỷ đồng, tăng 23,4% so cuối 2020, chiếm 54% tổng dư nợ ngành lúa gạo toàn quốc.
Cũng trong năm 2021 vừa qua, ngành Ngân hàng đã xem xét nâng hạn mức tín dụng trên địa bàn 13 tỉnh khu vực ĐBSCL nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn thu mua, tạm trữ lúa, gạo. Theo đó, các NHTM đã cho vay thêm khoảng 60.000 tỷ đồng, tăng hạn mức cấp tín dụng gần 12.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp trong các tháng quý III và IV năm 2021. Trên thị trường hiện nay hầu hết các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo như Lộc Trời, Trung An, Vinaseed, Tân Long,… trong năm 2021 vừa qua đều ghi nhận có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận từ xuất khẩu lúa gạo. Trong hơn 1 tháng đầu năm 2022, ngoài Lộc Trời, các doanh nghiệp khác như Tân Long, Sunrice, Angimex-Kitoku… đều đã mở rộng hợp tác với các địa phương phát triển các vùng nguyên liệu lúa gạo lớn theo mô hình khép kín.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi các Bộ, ngành và địa phương về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Bộ này cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các NHTM có hỗ trợ về lãi suất cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua. Những diễn biến này cho thấy tiềm năng để các mô hình sản xuất – tiêu thụ lúa gạo lớn của các tập đoàn trong nước tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các NHTM cả trong và ngoài nước là khá rộng mở và có nhiều cơ hội tăng trưởng.
Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt khu vực nông thôn Theo nhận định của các NHTM, với việc hình thành và mở rộng các mô hình liên kết sản xuất nông sản khép kín như cách làm của Tập đoàn Lộc Trời thời gian tới tốc độ phủ rộng dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại các địa bàn nông dân hợp tác trong chuỗi sản xuất kinh doanh lúa gạo này sẽ tăng trưởng mạnh. Bởi hiện nay, rào cản lớn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn nhiều người dân chưa quen sử dụng tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, khi hàng chục nghìn hộ dân, hợp tác xã tham gia vào các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín do các doanh nghiệp đầu tàu bảo lãnh và bao tiêu thì các NHTM sẽ mở rộng thêm được phạm vi và khách hàng sử dụng các sản phẩm thẻ, tài khoản và các ứng dụng thanh toán di động. Khi người dân tham gia các mô hình khép kín có liên kết với ngân hàng và doanh nghiệp buộc phải tìm hiểu và áp dụng các quy trình canh tác không sử dụng tiền mặt thì sẽ dần hình thành thói quen thanh toán trực tuyến. Từ đó, tốc độ lan tỏa của các dịch vụ tài chính ngân hàng số vào khu vực nông nghiệp - nông thôn sẽ đi vào cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ hàng hóa nông sản. |