Ngân hàng mạnh mới giúp được nền kinh tế
Nhiều động lực tăng trưởng tín dụng cuối năm | |
Tạo thêm dư địa để hỗ trợ khách hàng |
Chỉ cấp tín dụng cho dự án khả thi, bảo đảm pháp lý, có khả năng trả nợ đúng hạn |
Việc kiểm soát chất lượng tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản cũng luôn được NHNN nhắc nhở các TCTD lưu tâm. Để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này, nhất là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực. Chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Văn bản mới đây của NHNN cũng tiếp tục yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông, TCTD cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần và đầu tư trái phiếu DN…
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhiều món vay của ngân hàng được thế chấp bằng tài sản đảm bảo là bất động sản. Do đó nếu không kiểm soát chặt thì sẽ rất dễ dẫn tới hệ quả khó lường, như bài học nhãn tiền trong quá khứ.
Tín dụng bất động sản bị khống chế về tỷ lệ cho vay đã khiến các DN đẩy mạnh phát hành trái phiếu với lãi suất cao gấp nhiều lần so với tiết kiệm ngân hàng, lên 10 - 13%/năm. Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) mới đây cho thấy nhóm các DN bất động sản phát hành nhiều nhất trong quý II/2020, đạt 71.600 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5% so với cùng kỳ. Tính riêng các DN bất động sản, bên mua là NHTM với 28.200 tỷ đồng trái phiếu bất động sản trên thị trường sơ cấp, chiếm 40% tổng lượng phát hành. Chuyên gia lưu ý, việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao, được nhiều nhà băng mua trái phiếu DN bất động sản như một hình thức đảo nợ khoản vay, sẽ gây rủi ro lớn cho nền kinh tế.
Để ngăn ngừa rủi ro này, mới đây NHNN đã xây dựng Dự thảo thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu DN. Theo dự thảo, TCTD chỉ được mua trái phiếu DN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán tại thời điểm mua, trừ trường hợp mua trái phiếu theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt. TCTD không được mua trái phiếu, bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác, của DN phát hành có phát sinh nợ xấu tại TCTD mua và tại TCTD trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm quyết định phê duyệt mua.
Theo giới chuyên môn, quy định này nhằm góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD. Dự thảo cũng quy định TCTD không được mua trái phiếu DN phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác.
Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm tới nay, mức độ rủi ro của các khoản vay trong cả năm 2020 chắc chắn sẽ tăng so với năm 2019. Nhiều giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh đã được NHNN cũng như các TCTD triển khai rất quyết liệt thời gian qua. Song giới chuyên gia cũng lưu ý, hỗ trợ tín dụng là việc cần phải làm để kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng hệ thống TCTD phải duy trì được các tiêu chuẩn, điều kiện trong cấp vốn, không tháo gỡ các thủ tục, quy định nội bộ, vì yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo an toàn vốn. “Chúng ta sẽ không thể hỗ trợ được cho nền kinh tế nếu không đảm bảo được an toàn cho hệ thống ngân hàng”, một chuyên gia chia sẻ.
Diễn biến của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu nếu tiếp tục chiều hướng phức tạp có thể đẩy kinh tế thế giới suy thoái sâu và tác động nặng nề đến Việt Nam trên nhiều phương diện vì độ mở của nền kinh tế lớn, tương đương 200% GDP. Những diễn biến này tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến điều hành chính sách vĩ mô nói chung và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng nói riêng.
Theo TS. Châu Đình Linh – Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, trong bối cảnh hiện nay việc điều hành của NHNN đã góp phần rất quan trọng để duy trì các nền tảng vĩ mô ổn định, giảm thiểu tác động bất lợi với nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng hoạt động tốt sẽ đóng góp vào nền tảng ổn định đó, ngược lại khi kinh tế vĩ mô ổn định cũng sẽ giữ cho hệ thống ngân hàng có được môi trường bền vững để phát triển.