Nhiều động lực tăng trưởng tín dụng cuối năm
Tín dụng hợp lực thúc đẩy đào tạo nghề | |
Tăng cầu tín dụng: Cần hỗ trợ từ nhiều yếu tố | |
Lãi suất giảm, kỳ vọng cầu tín dụng tăng |
Xuất khẩu khởi sắc, ngân hàng kỳ vọng
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến cuối tháng 8/2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của cả nước đạt gần 46 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 26,1 tỷ USD và nhập khẩu đạt 19,9 tỷ USD, giảm tương ứng 0,9% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên nông nghiệp cả nước vẫn xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, nếu diễn biến xuất khẩu tại các thị trường lớn không có nhiều biến động bất ngờ, nhiều khả năng năm nay trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sẽ “cán đích” khoảng 41 tỷ USD, có nghĩa là trong các tháng cuối năm các ngành hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sẽ mang về thêm khoảng 15 tỷ USD nữa.
Tỷ giá và lãi suất ổn định tạo thuận lợi cho các DN xuất khẩu duy trì lợi thế cạnh tranh |
Ở lĩnh vực dệt may, da giày, theo thống kê của Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), mặc dù 7 tháng đầu năm vừa qua kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt hơn 9,5 tỷ USD. Tuy nhiên, trong các tháng cuối năm do Hiệp định EVFTA chính thức được thực thi nên kim ngạch xuất khẩu sẽ có sự bật dậy. “Thị trường EU chiếm tới 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép, với trị giá khoảng 6 tỷ USD mỗi năm nên dự báo kim ngạch xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV/2020 sẽ đạt mức 10% cho những tháng cuối năm 2020”, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Lefaso nhận định.
Đối với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cũng cho rằng mặc dù kim ngạch xuất khẩu có thể tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ 2019 nhưng nhiều khả năng xuất khẩu dệt may cả nước vẫn đạt khoảng 33-34 tỷ USD trong năm nay, vì hiện tại các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhiều DN đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây.
Việc khởi sắc trong hoạt động xuất khẩu của các ngành hàng có kim ngạch lớn như kể trên hiện nay đang tác động khá mạnh đến xu hướng và kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM. Theo khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) thực hiện mới đây cho thấy, có tới 49% các TCTD kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng những tháng sắp tới; tiếp đến là bán buôn bán lẻ (47%) và xây dựng (40%). Trong cả năm 2020, các lĩnh vực trên cũng là các lĩnh vực được gần một nửa TCTD trong hệ thống đánh giá sẽ là động lực để tăng trưởng tín dụng. Trong đó, xuất nhập khẩu được nhiều NHTM đánh giá là động lực lớn nhất để tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2021.
Tỷ giá, lãi suất diễn biến thuận chiều
Theo Công ty chứng khoán VNDirect, với sự kỳ vọng tập trung tăng trưởng tín dụng vào nhóm DN xuất nhập khẩu, DN bán buôn bán lẻ và xây dựng, xu hướng giảm một phần lãi suất cho vay các kỳ hạn sẽ là xu hướng được nhiều NHTM triển khai trong các tháng cuối năm 2020 để cạnh tranh nguồn khách hàng.
Tính toán trên các cơ sở cân đối các chỉ số vĩ mô, các chuyên gia tại VNDirect nhận định, nhu cầu tín dụng các tháng cuối năm vẫn ở mức thấp do nhiều DN phải tạm dừng mở rộng hoạt động. Trong cả năm 2020 tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng khoảng 9-10% so với cùng kỳ, trong khi cung tiền M2 sẽ tăng nhanh hơn một chút ở mức 9,0 - 10,0% so với cùng kỳ. Với việc chạy đua cạnh tranh để đẩy nguồn vốn cho vay ra thị trường “lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các NHTM sẽ giảm 0,25 - 0,5% trong nửa cuối năm nay”, VNDrirect nhận định.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, việc duy trì thanh khoản của hệ thống dư thừa ở mức hợp lý đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Ở góc độ tỷ giá, theo VNDrirect, các tháng cuối năm hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Thặng dư tài khoản vãng lai ở Việt Nam sẽ ở mức khoảng 2,6% GDP trong năm 2020. Điều này cộng với việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây sẽ giúp tỷ giá ổn định và chỉ dao động trong phạm vi hẹp khoảng 23.300-23.500 đồng/USD trong nửa sau năm 2020 và chỉ mất giá nhẹ khoảng 0,5 - 1,5% so với đồng USD trong năm 2021, rất thuận lợi trong việc hỗ trợ xuất khẩu.
Theo thống kê của NHNN, tính đến tháng 8/2020 mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mức 86 tỷ USD. So sánh với giá trị nhập khẩu 8 tháng đầu năm là khoảng 162,2 tỷ USD (theo Tổng cục Thống kê) thì quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức 17,2 tuần nhập khẩu, cao hơn mức 12-14 tuần theo khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nên được xem là đã đủ mức độ an toàn. Với mức dự trữ ngoại hối này, nhiều chuyên gia phân tích đánh giá rằng, từ nay đến cuối năm khả năng tăng giá so với đồng USD của tiền VND cũng khá hạn chế. Điều này cũng là diễn biến thuận lợi khiến các DN Việt Nam không bị thua thiệt trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.