Tạo thêm dư địa để hỗ trợ khách hàng
Chọn điểm hỗ trợ để tăng trưởng dương | |
Tăng cầu tín dụng: Cần hỗ trợ từ nhiều yếu tố | |
Chia sẻ lợi nhuận, giúp khách hàng vượt khó |
NIM ngân hàng ngày càng mỏng
Báo cáo phân tích mới của Fiin Group đưa ra con số đáng lưu ý, NIM của 19 ngân hàng niêm yết giảm 8,8 điểm cơ bản (bps) so với quý I/2020 xuống còn 0,76%. Đây là mức NIM thấp nhất và cũng là mức giảm lớn nhất kể từ quý I/2018. Theo nhận định của Fiin Group, NIM của các ngân hàng trong quý II/2020 phản ánh rõ ảnh hưởng từ việc miễn, giảm lãi cho khách hàng bị ảnh huởng bởi dịch Covid-19 bằng chính nguồn lực của mình từ tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, kể cả hạn chế chia cổ tức để có nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng.
Số liệu cập nhật từ NHNN cũng cho thấy, tính đến ngày 13/7/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt hơn 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng...
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh tại Việt Nam |
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thừa nhận, việc cơ cấu lại nợ đang tác động đến thu nhập của ngân hàng. Nhiều khoản nợ không chỉ được ngân hàng cơ cấu gốc mà còn giãn cả thời gian trả lãi. Do vậy, nhiều khoản vay ngân hàng không thu được lãi. “Mặc dù lợi nhuận bị tác động, nhưng ngân hàng chấp nhận, chỉ hy vọng sự hỗ trợ của ngân hàng giúp khách hàng vượt qua giai đoạn này”, ông Tùng bày tỏ.
Nguyên nhân nữa tác động đến NIM của ngân hàng, theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đó là lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động khiến cho NIM của ngân hàng ngày càng mỏng đi.
Việc đẩy mạnh cơ cấu nợ cho khách hàng, giảm thu lãi tín dụng, cộng thêm tín dụng mới tăng chậm đã tác động rất mạnh đến thu nhập của ngân hàng những tháng đầu năm. Theo báo cáo của Fiin Group, nếu chỉ tính số ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính, thu nhập lãi thuần nửa đầu năm nay đã giảm 7,5% so với quý I/2020 và chỉ tăng 0,1% so với quý II/2019.
Chia sẻ để cùng tồn tại
Mặc dù là một trong những ngành đầu tiên có chính sách hỗ trợ đối với khách hàng, nền kinh tế, nhưng sự chia sẻ của các đơn vị khác đối với ngành Ngân hàng lại rất hạn chế. Đơn cử như các nhà mạng trong nước vẫn ngó lơ giảm cước tin nhắn và 2 tổ chức thẻ quốc tế Visa và MasterCard vẫn chưa có phản hồi nào chính thức về quyết định giảm thuế, phí dù Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã 4 lần gửi văn bản đề nghị trong vòng 5 tháng qua.
Theo phản ánh của các ngân hàng, nửa đầu năm nay, do ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh số phát hành và thanh toán thẻ giảm mạnh song các ngân hàng lại trả quá nhiều loại phí trên mỗi giao dịch cho Visa, MasterCard. Cụ thể, trong cơ cấu thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế, phí xử lý giao dịch chiếm phần chủ yếu, bao gồm rất nhiều loại phí: vừa thu theo số lượng giao dịch, vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn tới tình trạng thu phí chồng phí với một giao dịch.
Với dịch vụ tin nhắn cũng vậy. Hiện các ngân hàng đang phải chịu cước phí tin nhắn cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường; trong khi họ chỉ thu phí SMS Banking của khách hàng ở mức rất thấp. Đặc biệt, do đây là dịch vụ thiết yếu của các NHTM nên lượng tin nhắn tăng đều qua mỗi năm, do đó lượng tiền bù lỗ hàng năm là rất lớn. Lãnh đạo một ngân hàng ước tính, trung bình các ngân hàng sẽ phải bù lỗ từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng tùy quy mô và số lượng khách hàng của ngân hàng. Nếu các nhà mạng áp dụng mức giá thông thường thì chi phí sẽ giảm khoảng 50%. Chẳng hạn tại BIDV, nếu cước phí giảm còn 300 đồng/tin nhắn, ngân hàng này sẽ giảm bù lỗ được khoảng 285 tỷ đồng thay vì 500 tỷ đồng như hiện tại. Điều đó sẽ tạo thêm dư địa tài chính để ngân hàng hỗ trợ cho khách hàng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế là Visa và MasterCard miễn, giảm phí; cũng như các nhà mạng giảm cước tin nhắn là hoàn toàn xác đáng. Bởi lẽ, hiện các ngân hàng cũng đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid- 19, trong khi toàn Ngành vẫn đang quyết liệt thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân và DN; trong đó có miễn giảm phí SMS Banking...
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, Covid-19 khiến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Việt Nam dự báo sẽ giảm 20-25% so với kế hoạch ban đầu, tương đương giảm khoảng 30-40 nghìn tỷ đồng. “Việc hỗ trợ giảm phí hiện nay sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Mặt khác, việc giảm phí này còn có lợi cho cả Visa và MasterCard trong việc giữ vị thế và tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang gia tăng ngày càng mạnh mẽ”, ông Lực cho biết.
Có quan điểm tương đồng, TS. Châu Đình Linh - Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, việc giảm phí không chỉ có lợi cho người sử dụng thẻ, ngân hàng mà bản thân tổ chức thẻ Visa, MasterCard cũng được hưởng lợi khá nhiều. Đó là duy trì thị phần. Nếu không có động thái hỗ trợ, người tiêu dùng, ngân hàng đối tác có thể chuyển sang hệ thống thanh toán khác. “Tôi nghĩ, đây là tình trạng chung của các nước trên thế giới chứ không riêng Việt Nam, nên các tổ chức thẻ cũng hiểu rằng, không thể không điều chỉnh giảm”, TS. Châu Đình Linh nhận định.
Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sắp tới Thông tư 01 sẽ được sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng, thời gian. Bởi vậy nếu không nhận được sự chia sẻ, khả năng hỗ trợ nền kinh tế, DN của các ngân hàng cũng bị hạn chế. Theo các chuyên gia của SSI, lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm của các ngân hàng ước tính sẽ giảm 22,1% so với cùng kỳ, do thu nhập hoạt động giảm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh. Dự báo cả năm, lợi nhuận của khối NHTM nhà nước giảm gần 16% do phải đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng. Chính vì vậy, giới chuyên môn khuyến nghị, sự chia sẻ gánh nặng cho ngân hàng lúc này là rất cần thiết đảm bảo cả nền kinh tế cùng hưởng lợi.