Ngân hàng ngày càng khó xử lý nợ
Gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý nợ xấu Hài hòa lợi ích các bên trong xử lý nợ xấu Nâng cao hiệu quả hoạt động mua bán và xử lý nợ |
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng phù hợp với thực chất khoản vay, theo lộ trình 50% năm 2023 và đủ 100% hết năm 2024. Điều này ảnh hưởng phần nào đến nguồn lực tài chính, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng.
Chính vì vậy, việc xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB) đang được các ngân hàng đẩy mạnh nhằm thu hồi nợ, từ đó có thêm nguồn lực để hỗ trợ khách hàng, cũng như không để nợ xấu bị dồn ứ. Cuối tháng 6 vừa qua, VietinBank gây chú ý khi thông báo bán 556 khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ với tổng giá trị gần 12 tỷ đồng. Cùng ngày, ngân hàng cũng phát thông báo đấu giá lần thứ 4 khoản nợ của CTCP Nosco Shipyard với giá khởi điểm hơn 2.302 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so với lần rao bán trước. Từ đầu năm đến nay BIDV là một trong những ngân hàng đã rao bán, đấu giá hàng loạt khoản nợ, TSĐB, gồm cả những công trình lớn như thủy điện. Trong đó, Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, đã được BIDV đấu giá đến lần thứ 10 và hiện giá khởi điểm đã giảm còn 325 tỷ đồng.
Việc các NHTM tăng cường rao bán TSĐB để xử lý nợ xấu không phải là chuyện mới mà liên tục diễn ra trong thời gian qua. Nhưng số lượng các tài sản được rao bán trong giai đoạn gần đây ngày càng tăng nhanh. Bởi tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng đến trả nợ buộc các ngân hàng phải xử lý TSĐB để thu hồi nợ. Tuy nhiên, hoạt động thanh lý TSĐB của các ngân hàng đang đối mặt với nhiều khó khăn do thanh khoản thị trường BĐS giảm nhiều tài sản bán nhiều lần dù giảm giá không có người mua. Đặc biệt, thời gian gần đây hoạt động thu hồi nợ gian nan hơn khi tình trạng khách hàng vay vốn đã thế chấp TSĐB, song sau đó tranh chấp với chủ sở hữu cũ tăng lên chóng mặt. Các ngân hàng nghi ngờ khách hàng cố tình ngụy tạo để ngân hàng không thể thu giữ TSĐB, trốn tránh trả nợ ngân hàng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một ngân hàng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên ngày càng gia tăng đó là tại Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 2/8/2021 của Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử. Tại công văn này, nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật khi giải quyết các vụ án hình sự, dân sự lại không xác định ngân hàng là người thứ ba ngay tình trong trường hợp người vay sử dụng tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng nhưng có tranh chấp với chủ cũ. Trong trường hợp có người khai bất lợi cho các tổ chức tín dụng và có đơn yêu cầu, thì khả năng cao tòa tuyên vô hiệu.
Trong khi đó, tại Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch, thì giao dịch đó không bị vô hiệu” (Điều 133).
Ông Hồ Tấn Tài - Phó Tổng giám đốc ACB nhìn nhận, Công văn số 02/TANDTC-PC là nguyên nhân khiến ngân hàng rất khó thu hồi TSĐB, xử lý nợ. Riêng tại ACB, thời gian qua đã phát sinh hơn 100 vụ án có liên quan đến tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới, các bên tặng cho, tài sản thế chấp bán vi bằng cho người khác, tranh chấp hủy hợp đồng chuyển nhượng do chủ cũ vay tiền của chủ sở hữu mới… nhiều đối tượng đang lợi dụng quy định về tranh chấp để trì hoãn việc xử lý nợ xấu, khiến các ngân hàng đứng trước rủi ro lớn vì hàng loạt hợp đồng thế chấp có nguy cơ bị tuyên vô hiệu.
Trong các trường hợp có tranh chấp như trên, Tòa án yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp hồ sơ thẩm định tài sản để chứng minh việc chủ sở hữu cũ biết việc thế chấp tài sản. Tuy vậy, theo ACB, yêu cầu này là vô lý, vì pháp luật cho phép tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay, tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình, không bắt buộc tổ chức tín dụng phải thẩm định tài sản...
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) thừa nhận thời gian qua, VNBA đã nhận được phản ánh của rất nhiều hội viên về vấn đề này. Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng, Công văn số 02/TANDTC-PC đã tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý TSĐB của tổ chức tín dụng. Vì vậy, TANDTC cần sớm có giải pháp tháo gỡ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các ngân hàng. "TANDTC cần có văn bản hướng dẫn các Tòa án cấp dưới trong việc xử lý các vướng mắc tranh chấp liên quan đến TSĐB tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý TSĐB", ông Hùng đề nghị.
Còn các trường hợp cố tình chây ỳ, lẩn trốn, không hợp tác với cơ quan chức năng nhằm mục đích để kéo dài thời gian xử lý nợ, trốn tránh nghĩa vụ, coi thường sự nghiêm minh của luật pháp, theo ông Hùng cần tạo thành án lệ về việc xét xử vắng mặt các đối tượng này, hoặc áp dụng các biện pháp rút gọn tại tòa để rút ngắn thời gian khởi kiện, nhanh chóng xử lý có kết quả thu hồi của khoản nợ.