Ngân hàng tận lực hỗ trợ khách hàng
Nới room tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế | |
Giảm lãi suất tiếp sức doanh nghiệp | |
Phát triển thị trường mua bán nợ góp phần hỗ trợ cho xử lý nợ xấu |
Giảm lãi suất cho vay lan rộng
Tuần qua đã có thêm nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay, nối dài danh sách ngân hàng giảm lãi suất từ đầu tháng 12 đến nay. Gần nhất là SHB vừa công bố chương trình giảm lãi suất từ 1,5% đến 2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh…
Trước SHB, trong khối ngân hàng cổ phần, HDBank, ACB, VIB cũng công bố chương trình giảm lãi suất cho vay. Tại ACB, từ đầu tháng 12/2022 đến hết tháng 1/2023, các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp hiện đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ngân hàng bao gồm giao dịch tài khoản, thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế và bảo lãnh sẽ được giảm 1%/năm lãi vay. HDBank còn mạnh tay giảm lãi suất tới 3,5%/năm đối với một số lĩnh vực. Lãnh đạo ngân hàng ước tính, sẽ có khoảng hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất với số tiền lên tới 120 tỷ đồng…
SHB vừa công bố chương trình giảm lãi suất từ 1,5% đến 2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp |
Ở khối NHTM có vốn Nhà nước, hai “ông lớn” là Agribank và Vietcombank cũng đã công bố chương trình hỗ trợ lãi suất quy mô lớn. Vietcombank giảm lãi suất tới 1 điểm %/năm đối với các khoản vay bằng VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12. Trong đó, Agribank giảm tối đa 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022. Đối với dư nợ phát sinh từ 1/12/2022 đến 31/12/2022, Agribank cũng giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Chia sẻ với phóng viên, Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho biết, trong thời gian qua Agribank đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng, trong đó có cơ cấu lại nợ, nhóm nợ và chương trình tín dụng ưu đãi khác. Hiện tại, khách hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất là áp lực lạm phát, biến động kinh tế thế giới… Chính vì lẽ đó, Agribank quyết định dành 1.000 tỷ đồng trích từ lợi nhuận dự kiến của năm 2022 để hỗ trợ cho khách hàng thông qua việc giảm 20% so với lãi suất ngân hàng đang áp dụng đối với dư nợ hiện hữu dành cho hai nhóm: khách hàng thuộc đối tượng thụ hưởng của gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ và nhóm những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ tại Agribank. Ngoài ra, những khách hàng có khoản giải ngân mới trong tháng 12 này cũng được Agribank xem xét hỗ trợ mức lãi suất tối đa lên đến 20% so với lãi suất áp dụng.
Không chỉ có ngân hàng “nội”, ngân hàng “ngoại” cũng đã nhập cuộc giảm lãi suất cho vay. Mới đây nhất, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam đã công bố hai gói cho vay với lãi suất cạnh tranh. Đối với gói vay bằng VND, kể từ ngày 8/12/2022 đến ngày 31/12/2022, các khách hàng doanh nghiệp sẽ được giảm từ 0,9%/năm đến 1,3%/năm tùy vào thời hạn vay. Đối với khoản vay bằng ngoại tệ, Shinhan cũng đồng thời giảm 0,6%/năm lãi suất cho vay cho kỳ hạn từ 1 - 6 tháng.
Theo đại diện Shinhan Việt Nam, mặc dù chi phí đầu vào vẫn tăng mạnh theo lãi suất huy động, nhưng ngay sau khi được NHNN tăng room tín dụng, Ngân hàng Shinhan đã chủ động triển khai chương trình ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp, tối ưu hóa chi phí trong mùa cao điểm cuối năm.
Sự chia sẻ này của ngân hàng được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Lãnh đạo Tập đoàn Kangaroo cho biết, không chỉ Việt Nam mà các nước khác trên thế giới đều đang phải đối mặt với tình trạng lãi suất vốn vay liên tục tăng. Song nhờ sự hỗ trợ và hợp tác của ngân hàng nên doanh nghiệp luôn được giải ngân vốn kịp thời, đúng thời điểm nhất là với mức lãi suất rất phù hợp giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.
Theo phóng viên khảo sát, mặt bằng lãi suất huy động trên 6 tháng đã tăng khoảng 3,5 - 4%/năm so với cuối năm 2021. Trong khi, lãi suất cho vay mới tăng thêm từ 1 - 3%/năm tùy khoản vay, đối tượng và tùy từng kỳ hạn.
Giảm lãi suất theo sức khỏe tài chính
Có thể thấy, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng cao như hiện nay, việc giảm lãi suất cho vay cho thấy nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng. TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đánh giá, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng cho thấy nỗ lực cân đối chi phí, hy sinh lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng, nền kinh tế. Nhất là các ngân hàng có lợi thế vốn rẻ đã mạnh dạn điều chỉnh giảm mạnh lãi suất.
Để có dư địa giảm lãi suất cho vay, bà Nguyễn Thị Phượng cho biết, Agribank thực hiện nhiều chính sách tiết giảm chi phí cũng như kiểm soát chi phí hoạt động, giữ mặt bằng lãi suất huy động ổn định.
“Sự hỗ trợ này về mặt dài hạn chúng tôi nghĩ rằng sẽ là sự chia sẻ có hiệu quả cho cả hai bên. Khi khách hàng duy trì hoạt động vượt qua được giai đoạn khó khăn có điều kiện phát triển thì cũng giảm nguy cơ nợ xấu tại Agribank”, bà Phượng bày tỏ kỳ vọng.
Việc kiểm soát huy động đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, theo Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, không chỉ là nhu cầu của người vay mà chính là sự an toàn bền vững của các TCTD. Bởi vì chi phí tài chính quá cao dẫn đến các khoản vay rất rủi ro. Điều này cũng không tốt cho các TCTD. Do đó, việc ngày càng nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất được kỳ vọng lan toả trở thành xu hướng thị trường, có thể phần nào giúp “hạ nhiệt” mặt bằng lãi suất chung.
“Tại buổi họp mới đây, Thống đốc cũng chỉ đạo các NHTM đảm bảo cân đối thanh khoản và giữ mặt bằng lãi suất không tăng trong giai đoạn tới. Nếu tất cả các TCTD quán triệt thực hiện nghiêm túc như vậy là điểm đáng mừng”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Động thái giảm lãi suất không chỉ giúp ngân hàng ghi điểm đối với khách hàng mà đó còn được NHNN cộng điểm khi xem xét nới room tín dụng. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN dành room tín dụng, ưu tiên thỏa đáng cho những NHTM có khả năng thanh khoản cao và đặc biệt là những ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Cũng theo chia sẻ của Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, NHNN giao cho Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục vận động các NHTM giảm lãi suất. Tinh thần là vận động các NHTM chia sẻ nhưng tùy vào mức độ, khả năng cũng như năng lực tài chính của mỗi TCTD để đưa ra được những quyết định giảm lãi suất không chỉ đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp mà vẫn phải đảm bảo khả năng thanh khoản, an toàn của mỗi ngân hàng cũng như cả hệ thống.
Có thể nói, thông tin nới room của NHNN cùng với việc các ngân hàng liên tục công bố chương trình giảm lãi suất cho vay là động thái rất tích cực của ngành Ngân hàng, giúp nhiều doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn với giá hợp lý để kích hoạt những kế hoạch sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới.