Ngân hàng với tăng trưởng xanh
Huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023 hướng tới tăng trưởng xanh Xây dựng khu công nghiệp sinh thái để thực hiện tăng trưởng xanh |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là lựa chọn chính sách trọng tâm của nhiều quốc gia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, thể hiện qua những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với mục tiêu tăng trưởng xanh. Trong đó, ngành Ngân hàng cũng đã có Kế hoạch hành động của ngành hướng tới mục tiêu chung này.
TS. Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Với những chỉ đạo mạnh mẽ và quyết liệt của NHNN, nhận thức của các tổ chức tín dụng Việt Nam về tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều tổ chức tín dụng đã xác định chiến lược phát triển bền vững không chỉ là tăng trưởng tài chính hiệu quả, an toàn mà còn thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống.
“Thời gian qua, Việt Nam được đánh giá đã ứng phó tốt với các cơn gió ngược, duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “cơn bão” bởi nhiều yếu tố tác động trong và ngoài nước. Vì vậy, các doanh nghiệp, nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng phải có sớm những nhận thức về ngân hàng xanh và phát triển bền vững”, TS. Phạm Minh Tú nhận định.
Toàn cảnh Hội thảo |
Đại diện nhóm tác giả, TS. Đỗ Thị Bích Hồng - Viện Chiến lược Ngân hàng đã trình bày tóm tắt nội dung của cuốn sách. Theo đó, với kết cấu 5 chương, cuốn sách đã trình bày một cách toàn diện những khuôn khổ lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế về ngân hàng xanh. Việc hướng tới một ngân hàng trung ương xanh là xu hướng tất yếu, nhưng bên cạnh đó cũng đòi hỏi sự đánh đổi nhất định, vì vậy cần có những cân nhắc và lựa chọn một cách thận trọng.
Đặc biệt, tại Chương 5 của cuốn sách, lần đầu tiên các thông tin dữ liệu về thực tiễn triển khai ngân hàng xanh tại các ngân hàng Việt Nam đã được tổng hợp và phân tích một cách chi tiết. Thông qua đó, độc giả có được một bức tranh toàn cảnh và tương đối rõ nét về thực tiễn cũng như xu hướng phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
Với sự đóng góp của đối tác nghiên cứu là Công ty KPMG Việt Nam - tổ chức hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy triển khai tiêu chí môi trường - xã hội - quản trị (ESG) tại các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, các nội dung cụ thể về ESG trong các ngân hàng thương mại đã được mô tả một cách đầy đủ và chi tiết.
TS. Đỗ Thị Bích Hồng trình bày tóm tắt nội dung của cuốn sách |
Nội dung cuốn sách chỉ ra, theo Báo cáo thống kê rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2022, trong 20 năm qua đã có 11.000 hiện tượng thời tiết cực đoan; 480.000 ca tử vong; thiệt hại kinh tế khoảng 2,56 nghìn tỷ USD. Việt Nam leo lên vị trí thứ 6 (tăng 3 bậc) trên thang đo về mức độ dễ bị tổn thương bởi rủi ro khí hậu.
VUCA - khái niệm đã có từ rất lâu, nay trở thành chủ đề trung tâm sau đại dịch (Volatility - Biến động, Uncertainty - Không chắc chắn, Complexity - Phức tạp, Ambiguity - Mơ hồ). Trong thời kỳ khủng hoảng vĩnh cửu, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể là nạn nhân của các biến động khó lường.
Trước thực tế trên, xu hướng thực thi ESG trong lĩnh vực ngân hàng càng quan trọng. Ngân hàng có vai trò lớn trong việc thực hiện hiệu quả Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia thông qua một số hành động thiết thực như: đẩy mạnh huy động nguồn lực xanh; tăng dần tỷ trọng cấp tín dụng cho các ngành/lĩnh vực xanh.
Ngoài ra, thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực phát thải cao, dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh; phát triển các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đẩy mạnh thực hiện tăng trưởng xanh…
Đại diện KPMG phát biểu tại Hội thảo |
Cuốn sách đã đưa ra nhiều khuyến nghị đối với NHNN như phối hợp với các bộ ngành chức năng để phát triển hệ thống thông tin dữ liệu về tăng trưởng xanh; thúc đẩy các tổ chức tín dụng thực hiện và công bố các báo cáo đánh giá rủi ro môi trường xã hội đối với danh mục đầu tư, báo cáo phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cần thực hiện đánh giá rủi ro tài chính liên quan đến môi trường, lồng ghép các rủi ro này vào khuôn khổ quản lý rủi ro vĩ mô; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chương trình, cơ chế huy động tài chính xanh từ các tổ chức, định chế tài chính ngân hàng quốc tế; nghiên cứu tham gia, phối hợp các hoạt động tài chính xanh quốc tế…
Đối với tổ chức tín dụng, cần điều chỉnh cấu trúc các ngành kinh tế và xanh hóa các lĩnh vực sản xuất; thúc đẩy quyết định đầu tư sản xuất trong các lĩnh vực xanh; thông qua việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử như internet banking, mobile banking, phát triển hệ thống máy giao dịch tự động ATM; là đầu mối để mở rộng quy mô đầu tư trong nước vào các dự án bền vững, thân thiện môi trường…
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao nội dung của cuốn sách, đặc biệt là những khuyến nghị được đưa ra. Cuốn sách sẽ là tài liệu nghiên cứu cho các nhà khoa học và các độc giả, cho NHNN với cương vị là cơ quan quản lý, cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trên hành trình hướng tới ngân hàng xanh và phát triển bền vững.