Ngân hàng “xanh hóa” dòng vốn tín dụng
Agribank thúc đẩy tín dụng xanh Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp tạo điều kiện ngân hàng xanh phát triển tại Việt Nam |
Tăng tài trợ vốn cho dự án xanh
Bám sát định hướng của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng luôn coi trọng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trong chiến lược kinh doanh. Được biết đến là một trong những ngân hàng đầu tiên ban hành chính sách về Cấp tín dụng xanh và bảo vệ Môi trường và xã hội, ông Trần Hoài Nam - Phó tổng giám đốc NHTMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết, chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh tại Việt Nam đến nay đã trở thành yêu cầu hiện hữu, đòi hỏi những hành động vừa cụ thể, vừa mang tính chiến lược cho phát triển bền vững.
Bởi đây là xu thế tất yếu đã mở rộng mạnh mẽ trên toàn cầu, với các chuẩn mực ngày càng khắt khe trong sản xuất, thương mại và đầu tư. Với vai trò cầu nối và có tác động quan trọng trong quá trình này, bản thân ngành Ngân hàng và mỗi NHTM phải chủ động xác định tầm nhìn xanh, hoạch định mục tiêu chiến lược, những giải pháp và hành động cụ thể để đồng hành cùng nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Đến nay, HDBank đã trở thành một trong những NHTM hàng đầu có thế mạnh về thúc đẩy nguồn lực cho tín dụng xanh tại Việt Nam, với quy mô giải ngân đạt trên 11.000 tỷ đồng trong năm 2022. Trong năm 2023, nguồn vốn giải ngân từ HDBank cho các dự án chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chương trình tín dụng dành riêng cho các DNNVV, đặc biệt với DNNVV do phụ nữ làm chủ… đã đạt trên 1 tỷ USD, vượt mức cam kết với các nhà tài trợ quốc tế.
Những năm gần đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) luôn dành nguồn tài trợ lớn cho các dự án xanh. Ông Trần Long - Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, với vai trò là NHTM Nhà nước hàng đầu, BIDV luôn tiên phong thực thi hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN trong việc thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh. Sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia. Tính đến 30/9/2023, BIDV đã tài trợ cho khoảng 1.500 khách hàng với 1.900 dự án/phương án tín dụng xanh với tổng dư nợ lên tới 71.000 tỷ đồng chiếm xấp xỉ 5% tổng dư nợ của BIDV, tăng 11% so với năm 2022. Đồng thời, BIDV có bề dày kinh nghiệm và năng lực hàng đầu trong việc tiếp nhận và triển khai các nguồn vốn ủy thác quốc tế với các chương trình và dự án vì mục tiêu phát triển bền vững.
BIDV đã trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công 2.500 tỷ đồng (khoảng hơn 100 triệu USD) trái phiếu xanh theo Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước để tài trợ cho các dự án hướng tới các mục tiêu bảo vệ môi trường. Đầu tháng 12/2023, trong khuôn khổ Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) tại Dubai, BIDV đã trao văn bản hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Standard Chartered (SCB) về thúc đẩy các hoạt động tài trợ xanh, tài chính bền vững với khoản cam kết hàng trăm triệu USD...
Không chỉ HDBank, BIDV, nhiều nhà băng khác cũng đang tích cực tài trợ vốn cho các dự án xanh. Đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
BIDV luôn dành nguồn tài trợ lớn cho các dự án xanh |
Huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh
Có được kết quả trên một phần cũng do thời gian qua NHNN đã có nhiều chính sách, định hướng khuyến khích các TCTD chuyển đổi xanh, quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng như: Ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Định hướng phát triển ngân hàng xanh trong Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, loại bỏ dần điện than vào năm 2040 và đến năm 2030 giảm 30% lượng khí thải Metan so với mức năm 2020. Để thực hiện thành công các mục tiêu khí hậu mới theo cam kết, ngành Ngân hàng đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành Ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với cả nước, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Những kết quả đáng ghi nhận quan trọng như phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh...
Có thể thấy, ngành Ngân hàng đang nỗ lực rất lớn triển khai các giải pháp định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, NHNN đã chủ động lồng ghép trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ, xây dựng các giải pháp, chương trình trong hoạt động tín dụng và ngân hàng, góp phần hỗ trợ nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong quá trình triển khai vẫn còn gặp không ít khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách. Vì vậy, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
Hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh đối với Danh mục phân loại xanh quốc gia sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Danh mục phân loại dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững... Tuy nhiên, để các cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả nhằm mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, cần có sự chung tay vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý, các TCTD và doanh nghiệp.